Phó giáo sư Jinsub Kim của Đại học OSU cho biết, các nhà nghiên cứu chứng minh rằng việc gây biến động phụ tải điện lên xuống theo một mô hình đều đặn - được gọi là tấn công dao động phụ tải - cũng có thể làm tổn thương đến lưới điện.
Tin tặc thực hiện tấn công bằng cách xâm nhập vào cơ sở hạ tầng đo lường tiên tiến (AMI) để điều khiển các công tắc công tơ điện thông minh và gây ra dao động phụ tải.
Tin tặc có thể tấn công vào công tơ điện thông minh để gây mất ổn định lưới điện. Nguồn: kcby.com
|
Phó giáo sư về kỹ thuật điện và khoa học máy tính, Eduardo Cotilla-Sanchez, người đứng đầu dự án, giải thích: "Cuộc tấn công đó sẽ bắt đầu bằng việc "chọc" thăm dò một vài vị trí trên lưới điện và sử dụng thông tin thu được để ước tính tần số dao động gây mất ổn định lưới điện."
Theo nghiên cứu này, sau khi tin tặc xác định được những công tơ điện của khách hàng nào cũng tắt và bật ở tần số đó (dưới 1 Hertz hoặc một chu kỳ mỗi giây) thì chúng sẽ tấn công vào lưới điện.
Phó giáo sư Cotilla-Sanchez cho biết: “Kết hợp với các nghiên cứu lưới điện gần đây có liên quan, chúng tôi đã phát hiện ra rằng một cuộc tấn công được tinh chỉnh tốt có thể gây mất ổn định cho lưới điện dù chỉ tác động chưa tới 2% phụ tải của hệ thống điện đó".
Phó giáo sư Cotilla-Sanchez nói rằng tuy vấn đề này rất đáng lo ngại, nhưng cũng có hướng để các nhà vận hành lưới điện phát triển các biện pháp đối phó: “Ví dụ nếu phát hiện kiểu dao động phụ tải này, họ có thể ngắt các tuyến đường dây A và B để cô lập lưới điện khu vực bị ảnh hưởng giúp tránh lan truyền sự bất ổn sang khu vực lưới điện rộng hơn. Có thể thực hiện thêm một giải pháp nữa, đó là thay đổi danh mục các nguồn phát điện, ví dụ: cắt giảm sản xuất điện từ gió và mặt trời đồng thời tăng cường sản xuất thủy điện, do đó phản ứng động tổng thể của lưới điện sẽ khác với những gì cuộc tấn công được thiết kế hướng tới, vì vậy tác động sẽ nhỏ hơn và không đủ để làm rã lưới.”