Tối ưu hóa chi phí và những việc cần làm

Có thể khẳng định, chọn chủ đề “Tối ưu hóa chi phí” trong năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là rất kịp thời. Tuy nhiên, để đạt được mục đích đề ra, EVN sẽ phải hành động quyết liệt, với các nhóm giải pháp đồng bộ. Dưới đây là những trao đổi của Ông Trần Viết ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Ảnh minh họa

Trong nhiều năm qua, EVN đã cố gắng tìm mọi nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống điện. Vấn đề đặt ra là do tình hình tài chính ngành Điện có khó khăn, có năm  EVN bị lỗ, hoặc lãi rất ít, nên không đủ vốn để tái đầu tư phát triển. Để giảm giá thành sản xuất điện, góp phần vào việc tăng lợi nhuận, có vốn tái đầu tư phát triển sản xuất, EVN cần thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó, giải pháp tối ưu hoá chi phí là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
 
Thứ nhất: EVN tìm biện pháp để tiết kiệm chi phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Hằng năm, EVN đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng xây dựng nguồn và lưới điện. Chỉ cần tiết kiệm được 5 - 7% thì đã được hàng ngàn tỷ đồng. Đối với những dự án nằm trong Tổng sơ đồ phát triển Điện lực giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, cần có kế hoạch triển khai từng dự án, trong đó, công tác chuẩn bị (giai đoạn chuẩn bị đầu tư) ít nhất từ 2 - 3 năm (từ việc xác định địa điểm, khảo sát thăm dò, lập báo cáo khả thi, lập thiết kế kỹ thuật, lập tổng dự toán, tổ chức đấu thầu, giải phóng mặt bằng, tái định cư…). Trong những nhiệm vụ này việc lập tổng dự toán là hết sức quan trọng. Các hạng mục chi phí đầu tư được lập phải sát với tình hình thực tế dự án. Việc tổ chức đấu thầu,phải chọn được nhà thầu tốt nhất, có giá hợp lý tránh phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, việc tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư hết sức quan trọng, nếu làm tốt ở khâu này cũng giảm được nhiều chi phí cho dự án…

Quản lý dự án là quản lý tất cả các công đoạn phải kiểm soát tốt từ xây dựng, vận tải, chi phí giám sát và các chi phí khác tìm mọi giải pháp giảm chi phí tới mức hợp lý. Để làm tốt các công việc này, cần phải lựa chọn Ban quản lý Dự án có đủ năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm cao, điều hành dự án một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai: Tối ưu hoá các chi phí trong quá trình tổ chức kinh doanh điện năng. Cơ cấu tổ chức kinh doanh điện năng của EVN được thực hiện theo 4 cấp: Tập đoàn - các tổng công ty - các công ty - các chi nhánh. Do đó cần có sự thống nhất cao trong việc tiết kiệm các chi phí từ trên xuống dưới. Muốn làm tốt được việc này, trước hết phải tổ chức xây dựng, cải tạo lưới điện phân phối, đưa điện đến hộ tiêu dùng một cách tốt nhất, giảm tổn thất điện năng. Công tác chăm sóc dịch vụ khách hàng luôn luôn phải được coi trọng, đặc biệt ở các công ty phân phối điện làm sao để cho mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi khách hàng sử dụng điện luôn luôn được thoả mãn và hài lòng với các dịch vụ của ngành Điện.

Thứ ba: Tiết kiệm điện là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm tối ưu hoá các chi phí. Hiện nay, mức tiêu thụ điện năng theo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam còn rất cao, thể hiện qua hệ số đàn hồi điện/GDP. Tại nhiều nước trên thế giới hệ số này đã ở mức < 1, còn Việt Nam khoảng 1,5- 1,6, thậm chí có năm lớn hơn 2... Trong những nguyên nhân khiến khách hàng chưa chú ý đến tiết kiệm điện chính là  giá điện còn thấp, nên khách hàng dùng điện còn rất lãng phí.

Thực tế hiện nay, sản lượng điện tiêu thụ trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng đang chiếm khoảng 53% tổng sản lượng điện quốc gia. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đang có công nghệ lạc hậu, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện năng cao, công tác quản lý tiết kiệm điện ở doanh nghiệp chưa tốt, gây ra lãng phí điện năng rất lớn. Các khách hàng khác như: Khách sạn, nhà hàng và các hộ dân cũng chưa quan tâm đúng mức tới việc tiết kiệm điện. Để làm tốt tiết kiệm điện, ngoài việc vận động tuyên truyền, chính sách hỗ trợ đối với khách hàng của EVN, Chính phủ cần đưa ra các chế tài, những quy định, những quy chế để buộc mọi người sử dụng điện phải có ý thức tiết kiệm hiệu quả.

Thứ tư: EVN cần phải xây dựng định mức, định biên lao động một cách hợp lý, tinh giảm số người làm việc, tăng năng suất lao động. Để đảm bảo quyền lợi người lao động, khi triển khai cần có những chính sách, cơ chế, lộ trình giải quyết hợp lý vấn đề này.

Thứ năm: Các chi phí khác phục vụ cho quá trình điều hành, sản xuất, kinh doanh… như chi phí đối ngoại, chi phí đi lại, ăn ở, tiếp khách, mua sắm… cũng cần được tiết kiệm một cách tối đa.

Thứ sáu: Cần đẩy mạnh công tác cổ phần hoá những đơn vị có đủ điều kiện, tập trung thúc đẩy thị trường điện và tăng nguồn vốn đầu tư cho các dự án.

Nếu EVN tập trung thực hiện đồng bộ những vấn đề nêu trên bằng những giải pháp, cơ chế phù hợp, cụ thể sát thực và với quyết tâm cao, chắc chắn nhiệm vụ “Tối ưu hoá chi phí” sẽ đạt được kết quả tốt, góp phần làm giảm giá thành và tăng lợi nhuận để có thêm nguồn vốn cho việc tái đầu tư phát triển. Như vậy, “tối ưu hóa chi phí” chẳng những không mâu thuẫn với nhu cầu đầu tư ngày càng cao của EVN mà ngược lại, sẽ thúc đẩy đầu tư một cách hiệu quả.
 


  • 20/06/2014 10:13
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 5482


Gửi nhận xét