Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc trao đổi sử dụng nguồn nhân lực không còn hạn hẹp ở đơn vị, vùng miền hay quốc gia mà mở rộng ở tầm khu vực và toàn cầu. Xu thế quốc tế hóa các tiêu chuẩn nghề nghiệp cho nguồn nhân lực ngày càng phổ biến ở các quốc gia. Không chỉ làm việc trong nước, các kỹ sư Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) còn làm việc, hợp tác với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Chuyên nghiệp hóa
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết qua nghiên cứu và xem xét các tiêu chí đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư Đông Nam Á (AFEO), EVNHCMC nhận thấy hình thức này phù hợp với các kỹ sư của tổng công ty, do đó đã triển khai việc đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN từ năm 2017.
Để được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, các kỹ sư cần phải đạt các tiêu chuẩn nhất định, cũng như được đánh giá quá trình phát triển nghề nghiệp liên tục. EVNHCMC đã nghiên cứu kỹ các tiêu chuẩn này và tạo điều kiện, giao nhiệm vụ nhằm tích lũy kinh nghiệm và nâng cao năng lực, kỹ năng để các kỹ sư có thể đáp ứng điều kiện đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN của AFEO.
Bên cạnh đó, EVNHCMC thực hiện các chương trình đào tạo về chuyên môn, ngoại ngữ và hỗ trợ các kỹ sư tham gia các chương trình đào tạo lấy chứng chỉ hành nghề đối với các nghề nghiệp bắt buộc phải có giấy phép hành nghề theo quy định. Ngoài ra, EVNHCMC cũng định hướng, tạo điều kiện cho các kỹ sư tham gia trực tiếp, đảm nhiệm các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng để đạt tiêu chuẩn kinh nghiệm theo yêu cầu.
Để lấy được chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, các kỹ sư cần đáp ứng tiêu chuẩn về kinh nghiệm chuyên môn cao và thông thạo ngoại ngữ chuyên ngành. Trong khi nhiều trường hợp, các kỹ sư trẻ trình độ ngoại ngữ tốt thì lại thiếu kinh nghiệm chủ trì nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng. Ngược lại, các kỹ sư lớn tuổi, có kinh nghiệm tốt lại khá khó khăn khi cần nâng cao trình độ ngoại ngữ. "EVNHCMC đã nhìn ra điểm hạn chế này, từ đó đã có chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, đồng thời động viên lực lượng kỹ sư của tổng công ty nỗ lực phấn đấu hoàn thiện bản thân để tham gia chương trình" - ông Kiên cho hay. Qua chiến lược nêu trên, hiện tại EVNHCMC đã có 148 kỹ sư được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, chiếm 46% trong tổng số 322 kỹ sư ASEAN được công nhận tại Việt Nam.
Các kỹ sư của Tổng Công ty Điện lực TP HCM được cấp chứng chỉ kỹ sư ASEAN
|
Nâng cao khả năng làm việc độc lập
Đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tham gia vào các nhóm chuyên ngành AFEO để trao đổi nghề nghiệp với những đồng nghiệp trong khu vực. Bên cạnh đó, họ còn tham gia thuyết trình trên các diễn đàn của AFEO. Các kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN được công nhận đều đáp ứng năng lực và điều kiện để có thể hoạt động nghề nghiệp ở tất cả quốc gia ASEAN.
Theo kinh nghiệm được chia sẻ từ các quốc gia có kỹ sư ASEAN, đã có rất nhiều kỹ sư đã tham gia hoạt động nghề nghiệp ở nước ngoài như Malaysia, Singapore… Về phía EVNHCMC, đơn vị đã cử nhiều kỹ sư ASEAN tham gia các hoạt động trong khuôn khổ những dự án được hợp tác trong ngành điện, như dự án tư vấn áp dụng công nghệ sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến theo điều kiện vận hành của thiết bị (CBM) đối với lưới điện phân phối (hợp tác với điện lực Malaysia); triển khai công nghệ bảo trì, bảo dưỡng đường dây đang mang điện 110kV đầu tiên tại Việt Nam (hợp tác với điện lực Indonesia).
Tiêu biểu trong chương trình này là anh Trần Ngọc Thế Trung, chuyên viên Ban Kỹ thuật, người đạt chứng chỉ kỹ sư ASEAN năm 2019. Sau khi đạt chứng chỉ, anh Trung được ưu tiên giao các công việc có hàm lượng khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ nhiều hơn như tham gia các khóa đào tạo quốc tế, các hội thảo kỹ thuật trong và ngoài nước. Đặc biệt trong số đó, anh được giao làm việc với điện lực TNB (tại Malaysia và tại Việt Nam) để triển khai ứng dụng sửa chữa bảo dưỡng theo điều kiện vận hành thiết bị CBM (Condition Base Maintenance) đối với thiết bị từ 110kV trở xuống. Anh còn tham gia tích cực vào việc triển khai ứng dụng tự động hóa trong công tác vận hành lưới điện phân phối tại TP.HCM. Anh Trung bày tỏ: "Tôi nhận thấy mình trưởng thành vượt bậc, tự tin khi làm việc với các đối tác nước ngoài, nâng cao khả năng làm việc độc lập trong môi trường làm việc chuyên nghiệp".
Còn với anh Mai Trần Đỉnh Phong, đang công tác tại Ban Kế hoạch: "Sau khi nhận được chứng chỉ tay nghề, cơ hội nghề nghiệp đã mở ra cho tôi. Tôi được tuyên dương là kỹ sư ASEAN tiêu biểu năm 2017, tham gia với tư cách là diễn giả cho Hội nghị PowerGen & Utility Week tại Malaysia năm 2019, được mời vào ban cố vấn cho PowerGen & Utility Week 2020 và 2021, diễn giả cho các sự kiện của khối ASEAN… Tôi tự tin mình có thể làm việc tốt trong môi trường chuyên nghiệp của các quốc gia thành viên khối ASEAN". Anh được giao biên soạn quy cách kỹ thuật vật tư thiết bị, tham gia các khóa đào tạo quốc tế ngắn hạn, các hội thảo kỹ thuật trong, ngoài nước. Anh cũng đã hoàn thành việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị công nghệ cao như quy cách kỹ thuật thiết bị GIS 110kV, quy cách kỹ thuật trụ thép đơn thân…
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC:
Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Việc đào tạo đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN là mục tiêu quan trọng để hiện thực hóa chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của EVNHCMC. Song song đó, các kỹ sư của ngành Điện sẽ có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và mở rộng môi trường để chia sẻ kiến thức, chuyên môn với các kỹ sư hàng đầu trong khu vực giúp phát triển nghề nghiệp tốt hơn. Từ đó tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, phát triển, áp dụng công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện của tổng công ty.
|
Link gốc