"Truyền thông về điện hạt nhân phải được kiểm định thông tin chặt chẽ”

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Hồng – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam khi trao đổi với evn.com.vn, bên lề lớp phổ biến kiến thức cơ bản về điện hạt nhân cho các phóng viên cơ quan báo chí tại Hà Nội do Ban quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận vừa tổ chức.

PV: Là người có thâm niên hoạt động trong ngành điện hạt nhân, ông đánh giá như thế nào về việc thông tin, tuyên truyền đối với lĩnh vực này thời gian qua?

TS Lê Văn Hồng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam

Ông Lê Văn Hồng: Cũng như nhiều lĩnh vực khác, điện hạt nhân luôn được các phóng viên, nhà báo khai thác triệt để và phản ánh trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian qua. Tuy nhiên, điện hạt nhân là một lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, bên cạnh những bài báo phản ánh chính xác, trung thực, khách quan thì giữa “rừng” thông tin đó vẫn còn không ít tác phẩm báo chí “rơi” vào tình trạng sai thuật ngữ chuyên môn. Ví dụ đơn giản nhất, Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có công suất 2.000 MW, không phải là 2.000 kWh. Hai đơn vị này hoàn toàn khác nhau.

Bên cạnh đó, khi viết về nhà máy điện hạt nhân với nhiều thế hệ công nghệ khác nhau, các phóng viên, nhà báo chưa có sự đầu tư, tìm hiểu rõ ràng, kỹ lưỡng do đó rất dễ nhầm lẫn về tên các nhà máy, công nghệ, thông tin về an toàn cũng chưa được phản ánh đầy đủ…

PV: Với các nội dung phản ánh không trung thực, chính xác sẽ tác động như thế nào đến việc tiếp nhận thông tin của công chúng, thưa ông?

Ông Lê Văn Hồng: Hiện tại, thách thức đặt ra đối với điện hạt nhân tại Việt Nam không chỉ là đảm bảo an toàn, vấn đề xử lý chất thải phóng xạ, không phổ biến vũ khí hạt nhân mà còn có cả các vấn đề về cơ sở hạ tầng pháp lý và kỹ thuật, đảm bảo nguồn nhân lực trình độ cao và tài chính. Vì vậy, nếu những thông tin cung cấp cho công chúng không chính xác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp nhận thông tin, thậm chí dẫn tới sai lệch, từ đó tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều trong cộng đồng.

PV: Mặc dù vậy chúng ta cũng không thể hoàn toàn phủ nhận những đóng góp của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân, thưa ông?

Ông Lê Văn Hồng: Đúng vậy! Đặc biệt từ sau khi chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam được Quốc hội thông qua. Các thông tin được phản ánh trên báo chí đã góp phần quan trọng, từng bước xây dựng niềm tin và tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Nếu như trước đây, người dân chưa biết gì về điện hạt nhân thì hiện nay điện hạt nhân gần như được “phổ cập” trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Vì vậy, điện hạt nhân dù tốt hay không tốt, khi đã được đưa ra công luận thì phải đảm bảo tính trung thực, chính xác, còn công chúng sẽ có cách nhìn nhận riêng của mỗi người, để từ đó cùng mổ xẻ, thảo luận, đưa ra hướng giải quyết tối ưu nhất.

PV: Từng tham gia đào tạo tuyên truyền viên về điện hạt nhân và phổ biến kiến thức về điện hạt nhân cho các phóng viên, ông đánh giá như thế nào về chất lượng sau mỗi khóa học?

Ông Lê Văn Hồng: Sau mỗi khóa đào tạo, các phóng viên báo chí đã nắm bắt thêm nhiều kiến thức cơ bản về điện hạt nhân cũng như mức độ quan tâm ngày càng sâu rộng hơn. Điều này vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với những phóng viên trẻ. Truyền thông về điện hạt nhân không nên chạy theo số lượng, mà quan trọng hơn phải đảm bảo được chất lượng. Đối với các bài chuyên sâu, các phóng viên có thể chuyển đến các chuyên gia về điện hạt nhân thẩm định trước để đảm bảo tính chính xác của thông tin khi đăng tải. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Long - Phóng viên Hệ thời sự - Chính trị tổng hợp VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam: Lớp phổ biến kiến thức cơ bản về điện hạt nhân do EVN vừa tổ chức không chỉ cung cấp thêm thông tin cho các phóng viên, nhà báo mà còn giúp chúng tôi hiểu hơn về tầm quan trọng của điện hạt nhân. Đó là vấn đề về an toàn, công nghệ, nhân lực, hợp tác quốc tế... qua đó giúp phóng viên chủ động khai thác và thẩm định tốt nhất nguồn tin có được. 

Phạm Hương - Phóng viên báo điện tử VnExpress: Là phóng viên chuyên trách về điện hạt nhân, các kiến thức cơ bản được phổ biến tại khóa học rất hữu ích cho công việc của tôi. Tuy nhiên, để công chúng có cái nhìn sâu rộng hơn nữa về điện hạt nhân, thiết nghĩ trong thời gian tới, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan cần cung cấp thông tin thường xuyên và kịp thời hơn nữa, cần tổ chức các đoàn đi thực tế tìm hiểu về điện hạt nhân cho các phóng viên để có thêm thông tin và kiến thức về điện hạt nhân.

 


  • 24/07/2014 02:35
  • Phan Trang (thực hiện)
  • 2455


Gửi nhận xét