Từ Lý Sơn nghĩ về cấp điện cho Cù Lao Chàm

Những năm qua, việc cấp điện cho hải đảo thuộc các tỉnh duyên hải Việt Nam đã được ngành Điện phối hợp với các địa phương trong cả nước tích cực triển khai. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư, quản lý và cung ứng điện ở những nơi này còn nhiều khó khăn do đặc thù của mỗi đảo và cơ chế quản lý kinh doanh của từng địa phương.

Lý Sơn chờ đón điện lưới quốc gia

Có dịp theo chân đoàn công tác của Công ty Điện lực Quảng Nam chúng tôi đặt chân lên huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Từ nhỏ, tôi đã  biết, Lý Sơn được mệnh danh là "Vương quốc tỏi". Nơi đây còn lưu lại dấu tích là nơi xuất phát của Hải đội Hoàng Sa đi cắm mốc, dựng bia chủ quyền, bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa từ thế kỷ 17, thời kỳ đầu nhà Nguyễn. Đến nay, Lý Sơn còn là địa điểm du lịch khá hấp dẫn với 3 di tích quốc gia: Đình làng An Hải (di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa); Âm Linh Tự thờ cúng oan hồn, cô hồn, tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa và Chùa Hang.

Sức vươn lên của huyện đảo Lý Sơn đang rất cần một nguồn điện cung ứng ổn định để thu hút đầu tư, hấp dẫn du khách. Thế nhưng, theo ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Điện lực Lý Sơn, do đảo nằm khá xa đất liền, nên nhiều năm qua, người dân chỉ dùng điện máy nổ nhỏ, bữa có bữa không, mỗi đêm điện chỉ có khoảng  4-5 giờ. Ông Tùng nhớ lại: “Năm 2002, địa phương bàn giao lưới điện này cho ngành Điện. Từ đó, Tổng công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp công suất Nhà máy Diezel lên 1.100 kW, rồi tháng 7/2011 lắp thêm 2 tổ máy, đưa công suất lên 1800 kW. Tuy nhiên, mỗi năm Tổng công ty vẫn phải bù lỗ hơn 15 tỷ đồng”.

Như vậy, việc cấp điện cho Lý Sơn là một chuỗi những tháng ngày gian nan, vất vả. Cuộc sống còn thiếu thốn nhiều thứ, nhưng người dân vẫn ao ước có được một nguồn điện đầy đủ mới tạo động lực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Điều này chỉ có thể được giải quyết triệt để khi có  lưới quốc gia như các đảo Cát Bà, Phú Quốc…

Ngày 13/4/2012, Chính phủ đã quyết định đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền (Cảng cá Sa Kỳ) ra đảo Lý Sơn  bằng việc xây dựng 26 km đường dây trung áp cáp ngầm, công suất 10 MW, kinh phí 320 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thi công công trình 27 tháng. Với lưới điện này, mong ước bao đời của người dân đảo Lý Sơn chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Đoàn công tác dâng hương tại  Tượng đài Đội Hoàng Sa

Tương lai cho Cù Lao Chàm?

Quảng Nam và Quảng Ngãi có chung ranh giới trên đất liền và ngoài hải đảo. Vì vậy, 2 tỉnh có nét tương đồng về đời sống, sinh hoạt dân cư cũng như nhiệm vụ cung ứng điện

Cù Lao Chàm, là một cụm đảo gồm 8 đảo, còn gọi là xã đảo Tân Hiệp trực thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại (Hội An) khoảng 18km đường biển. Năm 2007, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, bởi nơi đây có hệ động, thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn yến sào nổi tiếng thế giới, nhờ vậy, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến đây tham quan hơn 60.000 người/năm, đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của người dân trên đảo.

Hiện tại Cù Lao Chàm chưa có điện lưới quốc gia. Việc cấp điện cho xã thông qua 2 nguồn điện tại chỗ gồm 2 trạm phát điện diezel, tổng công suất 75 kW và 1 trạm phát điện hỗn hợp pin mặt trời và diezel, tổng công suất 48 kW, với tổng cộng 2,5 km đường dây hạ áp..  

Tuy hầu hết các hộ dân trong xã đã có điện, nhưng số giờ có điện mỗi đêm không quá 6 giờ. Mặc dù người dân được mua điện theo giá phê duyệt của UBND tỉnh, trong đó ngân sách trợ cấp 50%, song họ vẫn phải trả 1800-2000 đồng/kWh. Đã thế, các máy phát điện thường hay bị hư hỏng, chất lượng điện kém, rất khó khăn cho sinh hoạt và dịch vụ của người dân

Dự kiến đến năm 2015, xã đảo Tân Hiệp sẽ được nâng cấp thành huyện đảo, ngoài việc đảm bảo an ninh quốc phòng, huyện đảo sẽ phát triển mạnh mẽ du lịch, dịch vụ, vì vậy việc cấp điện cho huyện đảo phải được nâng tầm cả về số lượng lẫn chất lượng. Khi đó chắc chắn Công ty Điện lực Quảng Nam sẽ được giao đảm nhận nhiệm vụ này

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam đã trao đổi với chúng tôi về tương lai khi được giao nhiệm vụ cung ứng điện cho Tân Hiệp: “Chúng tôi đến Lý Sơn mục đích chính là chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp và nhân dân trên đảo trong quá trình cung ứng, sử dụng điện; tìm hiểu về vùng đảo anh hùng để học tập thêm kinh nghiệm để cấp điện cho Tân Hiệp trong tương lai”.

Lý Sơn đã có điện từ hơn  20 năm nay nhờ sự đầu tư nỗ lực rất lớn của ngành Điện. Và để cấp điện cho Cù Lao Chàm trong tương lai, cũng cần sự nỗ lực rất lớn của ngành Điện, sự hỗ trợ của Chính phủ và phối hợp tích cực của chính quyền và nhân dân địa phương. Khó khăn không chỉ ở khoảng cách đất liền, biển đảo trong quá trình “đưa điện vượt sóng” mà còn cả một chặng đường dài giải bài toán: “kinh doanh” bù lỗ lớn của ngành Điện trên các huyện đảo hiện nay…


  • 22/08/2012 09:40
  • Phương Lan
  • 2791


Gửi nhận xét