Ứng dụng khoa học công nghệ: Thúc đẩy sản xuất - kinh doanh điện năng

Những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng, góp phần quan trọng, đưa hệ thống điện Việt Nam vận hành an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Ứng dụng KHCN trong mọi lĩnh vực 

Ông Nguyễn Quang Việt - Phó Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường EVN cho biết, những năm qua, EVN đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Theo đó, Tập đoàn đã không ngừng đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ hiện đại, xây dựng các giải pháp bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến; cải tiến, nâng cao trình độ công nghệ góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm...

Những thành tựu ấn tượng trong ứng dụng KHCN của EVN có thể kể đến là, áp dụng công nghệ đập bê tông đầm lăn, công nghệ xử lý môi trường hiện đại trong các nhà máy nhiệt điện than, ứng dụng dây dẫn siêu nhiệt, máy biến áp hao tổn thấp, công nghệ sửa chữa hotline không cắt điện; công nghệ đo xa, hệ thống phần mềm dùng chung, áp dụng toàn Tập đoàn, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện theo các cấp độ...

Đặc biệt, năm 2017, với chủ đề “Đẩy mạnh KHCN”, EVN đã có bước đột phá với những thành tích ấn tượng. Hàng loạt trung tâm điều khiển xa và TBA không người trực được đưa vào vận hành, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tăng năng suất lao động. Tập đoàn cũng đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến, đánh dấu bước tiến lớn của EVN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đồng thời thể hiện hình ảnh một tập đoàn kinh tế nhà nước, hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số, phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện hiện đại hóa các dịch vụ công, đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế số.

GS Trần Quốc Tuấn - Giám đốc nghiên cứu Viện Quốc gia về năng lượng mặt trời (CEA-INES), Cộng hòa Pháp, chia sẻ, ông rất vui mừng khi ngành Điện Việt Nam đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại trong mọi khâu, mọi lĩnh vực như: Hệ thống điều khiển xa, hệ thống SCADA, lưới điện thông minh… Hoạt động KH&CN của EVN đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của Tập đoàn. 

EVN đã cung ứng 100% dịch vụ điện trực tuyến từ tháng 12/2017

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng 

Giai đoạn 2014 - 2017, hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ chỉ chiếm một tỉ trọng còn khá khiêm tốn trong hoạt động chung của EVN, nhưng có đóng góp quan trọng vào việc lựa chọn công nghệ trong quá trình đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn trong các lĩnh vực hoạt động. 

Trong giai đoạn này, nhiều đề tài, sáng kiến được Hội đồng Nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá cao và được đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất của EVN như, Đề tài “Nghiên cứu lựa chọn và ứng dụng các giải pháp hợp lý áp dụng cho lưới điện phân phối Việt Nam đạt tiêu chuẩn thông minh”, Đề tài “Hoàn thiện thiết kế và quy trình công nghệ chế tạo MBA 220 kV đạt tiêu chuẩn IEC 60076”... Riêng cấp Tập đoàn, đã có 13 đề tài được thực hiện và 17 sáng kiến được công nhận. Điển hình, Đề tài “Vệ sinh cách điện lưới điện phân phối (22 kV, 35 kV, 110 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao” của Công ty Truyền tải điện 3 đã được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả của Đề tài này cũng được áp dụng trong việc vệ sinh sứ đang mang điện thuộc cấp điện áp 220 kV, 500 kV. 

Đặc biệt, trong giai đoạn này, nhiều sáng kiến của EVN cũng đã được nhận Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) như “Nghiên cứu thiết kế tổ máy biến áp lực 3 pha 500 kV - 3 x 150 MVA” đạt giải Nhì năm 2013; Đề tài “Nâng cao chất lượng điện năng qua việc hạn chế nhiễu sóng hài và quá điện áp nội bộ trong lưới điện phân phối” đã đạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc của Quỹ VIFOTEC...

Theo đánh giá của GS. Trần Quốc Tuấn, ngành Điện đang có nhiều đề tài khoa học công nghệ có tính thực tiễn rất cao. Để hoạt động KHCN ngành Điện phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, các đơn vị Điện lực cần phối hợp chặt hơn với các trường đại học, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, phát triển và đưa các đề tài, sáng kiến này sớm được áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Điện lực toàn quốc năm 2017 được tổ chức vào giữa tháng 11/2017, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, đẩy mạnh phát triển KH&CN vẫn là một trong những ưu tiên của Tập đoàn trong thời gian tới. EVN sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng và phát triển mạnh KHCN trong các lĩnh vực hoạt động, tích cực triển khai hiệu quả các dự án nguồn, đảm bảo cân đối cung, cầu giữa các vùng miền, nâng cao độ tin cậy vận hành an toàn hệ thống điện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. 

Hiện nay, EVN đang nghiên cứu thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Ứng dụng; đẩy mạnh đào tạo các chuyên gia; tích cực phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu… trong các lĩnh vực mà Tập đoàn quan tâm, triển khai ứng dụng nhanh, tranh thủ được những thành tựu KHCN của thế giới, từng bước xây dựng hệ thống điện Việt Nam lớn mạnh và hiện đại hàng đầu khu vực.
 


  • 22/04/2018 11:22
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14885