Việt Nam tích cực triển khai cam kết về sử dụng năng lượng hạt nhân

Tại hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, xuất phát từ quan điểm nhất quán là chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả những cam kết của mình về sử dụng năng lượng hạt nhân.

Trong 2 ngày 26 và 27/3/2012, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai đã diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến an ninh, an toàn hạt nhân, trong đó có sự cố hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản), làm gia tăng lo ngại quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân, thậm chí là xét lại việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình năng lượng hạt nhân, Hội nghị là sự kiện chính trị quốc tế quan trọng với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao từ 53 nước, gồm các cường quốc hạt nhân và các nước có nhiều ứng dụng hạt nhân dân sự từ khắp các châu lục và 4 tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) nhằm nhìn lại những nỗ lực triển khai các cam kết, khuyến nghị đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất (tháng 4/2010 tại Washington, Hoa Kỳ); xác định phương hướng và thảo luận những biện pháp tăng cường an ninh, an toàn hạt nhân trong tình hình mới.

Hội nghị đã tập trung thảo luận 3 chủ đề quan trọng đối với an toàn và an ninh hạt nhân là: “Nhìn lại tiến trình đã thực hiện từ Hội nghị Thượng đỉnh 2010 tại Washington”, “Các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế  nhằm tăng cường an ninh hạt nhân và các cam kết tương lai” và “Giao diện an toàn và an ninh hạt nhân”.

Với tư cách nước chủ nhà, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đánh giá cao những tiến bộ mà các nước đã đạt được trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân như những minh chứng sống động cho vai trò tập hợp ý chí chính trị của cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân; khuyến khích các nước tiếp tục các nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế vì một thế giới an toàn hơn.

Các nước tham gia Hội nghị đều vui mừng trước những tiến bộ đạt được; đề xuất nhiều biện pháp để thúc đẩy an ninh và an toàn hạt nhân như khuyến khích các nước tham gia các điều ước quốc tế và cơ chế quốc tế về hạt nhân, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp trong nước, xây dựng các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân, tăng cường hợp tác quốc tế trên vấn đề này.

Đồng thời, các nước cũng nhất trí thông qua Thông cáo chung thúc đẩy các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh  bao gồm11 vấn đề lớn, là: cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, vai trò của IAEA, vật liệu hạt nhân, các nguồn phóng xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, an ninh vận chuyển, chống buôn lậu, giám định hạt nhân, văn hóa an ninh hạt nhân, an ninh thông tin và hợp tác quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao các nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 2; khẳng định Hội nghị đã trở thành diễn đàn cấp cao tập hợp và tăng cường ý chí chính trị cũng như thiện chí hợp tác trong nỗ lực chung nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.

Về các biện pháp đã thực hiện của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh xuất phát từ quan điểm nhất quán là chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và đóng góp thiết thực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý, hạ tầng an toàn, an ninh và tham gia các điều ước quốc tế, các sáng kiến liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả những cam kết của mình, đặc biệt là từ sau Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất.

Nhiều biện pháp cụ thể của Việt Nam đã được Thủ tướng đề  xuất tại Hội nghị như việc đang hoàn tất thủ tục nội bộ gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; hợp tác có hiệu quả với IAEA, Hoa Kỳ và Nga trong việc hoàn tất việc chuyển đổi nhiên liệu urani có độ giàu cao (HEU) sang loại có độ giàu thấp (LEU) tại lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và mới ký Hiệp định với Liên bang Nga ngày 16/3/2012 về việc đưa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trở lại Liên bang Nga; hợp tác có hiệu quả với Hoa Kỳ trong Sáng kiến thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho các cơ sở bức xạ có nguồn phóng xạ hoạt độ cao, Sáng kiến ngăn chặn vận chuyển bất hợp pháp vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác, Sáng kiến Giảm thiểu nguy cơ phóng xạ toàn cầu (GTRI); đồng thời đang đàm phán với Hoa Kỳ tiến tới ký kết Hiệp định hợp tác về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123).

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và đang tích cực xem xét để phê chuẩn Nghị định thư Bổ sung (AP).

Về hợp tác khu vực, Việt Nam đang tích cực cùng với các thành viên ASEAN khác tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân, trong đó có việc khuyến khích các nước có vũ khí hạt nhân sớm tham gia ký Nghị định thư của Hiệp ước Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân (SEANWFZ).

Trưởng đoàn các nước tham dự hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai

Về các biện pháp giải quyết vấn đề an toàn và an ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân là những nhân tố quan trọng nhất để giảm nguy cơ đối với an ninh và an toàn hạt nhân trong khi mỗi quốc gia cũng có quyền chính đáng trong việc sử dụng năng lượng và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Các khác biệt và bất đồng về vấn đề này phải được giải quyết trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bằng các biện pháp hòa bình, có tính tới lợi ích chính đáng của mỗi nước.

Trên tinh thần đó, Việt Nam phát triển Chương trình điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia và cám ơn, đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả của IAEA và nhiều quốc gia (như Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc...) đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện những bước đi đầu tiên để thực hiện Chương trình này .

Cùng với lãnh đạo các nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí Thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị; khẳng định những phương hướng và biện pháp tổng thể nêu trong Thông cáo chung là các cam kết chính trị sẽ được các nước thực hiện trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với khả năng của mình; khẳng định quan điểm của Việt Nam mong thúc đẩy sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia và phát huy vai trò trung tâm của các thể chế đa phương toàn cầu như Liên Hợp Quốc, IAEA trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân; tăng cường mối liên kết giữa hệ thống ứng phó an ninh an toàn hạt nhân quốc tế và hệ thống điều phối nhân đạo quốc tế để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định ủng hộ việc tiếp tục tổ chức các Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân và cam kết Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào thành công của tiến trình này.

Hội nghị quyết định sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tiếp theo vào năm 2014 tại Hà Lan.


  • 28/03/2012 09:37
  • Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ
  • 3522


Gửi nhận xét