Theo đề xuất của các chuyên gia năng lượng WB, trước mắt ngân hàng này sẽ hỗ trợ TP. HCM đánh giá tổng quan lợi ích của việc triển khai chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng năng lực cho các chuyên gia năng lượng tại thành phố, hỗ trợ công tác đấu thầu tìm nhà cung cấp thiết bị, hỗ trợ tìm kiếm nguồn tài chính triển khai chương trình.
Phát biểu với đoàn công tác của WB, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết thành phố rất quan tâm đến việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời để đến năm 2020 công suất năng lượng tái tạo chiếm 1,74% tổng công suất tiêu thụ điện tại thành phố.
TP. HCM muốn triển khai chương trình phát triển điện mặt trời trên mái nhà do WB hỗ trợ trong giai đoạn 2017-2018.
Trước đó, từ năm 2015 TP. HCM đã thí điểm hỗ trợ đầu tư điện mặt trời trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố hỗ trợ bù giá điện mặt trời 2.000 đồng/kW. Đến nay thành phố đã có 90 điểm phát điện từ điện mặt trời kết nối lưới điện quốc gia với tổng công suất đạt khoảng 2 MW.
Để giúp TP. HCM phát triển nguồn năng lượng mặt trời, mới đây Tổng công ty Điện lực TP. HCM kiến nghị chính quyền thành phố thí điểm cơ chế hỗ trợ đầu tư điện mặt trời từ các doanh nghiệp và hộ gia đình, trong đó cần hỗ trợ vốn, lãi suất ưu đãi, thời hạn trả nợ dài hạn.
Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực TP. HCM cũng nêu kiến nghị UBND thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá cho điện mặt trời nối lưới để khuyến khích phát triển dự án điện loại này.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo chiếm 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030.