Theo ông Đinh Quang Tri, với góc độ người tiêu dùng thì tăng giá không lúc nào là phù hợp. Nhưng nhìn từ tổng thể nền kinh tế, EVN chủ yếu đi mua điện và bán ra. Bản thân EVN cũng không thể bù đắp được chi phí, nếu mua giá cao và bán giá thấp. Nếu tiếp tục ép các nhà máy bán giá thấp, thì các nhà máy phát điện sẽ không đầu tư mở rộng sản xuất, khi đó nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra.
Lấy lãi bù lỗ
Năm nay EVN lãi lớn tại sao tăng giá?
- Với việc tăng giá điện 5%, EVN sẽ tăng thu khoảng hơn 7.000 tỷ đồng. Trong khi đó, phải bù gần 900 tỷ đồng do giá than tăng, 3.800 tỷ đồng do vượt khí bao tiêu và 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá giữa ĐVN và ngoại tệ mạnh. Kết quả kiểm toán cho thấy, đến ngày 31/12/2011, số lỗ của EVN đã lên đến 26,600 tỷ đồng. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2015, EVN phải thực hiện xong việc bù lỗ, chủ yếu thông qua những lần tăng giá bán điện. Thời điểm cụ thể sẽ được EVN cân nhắc và báo cáo với liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh cho phù hợp.
Từ năm 2013, giá than bán cho điện sẽ tiệm cận giá than trên thị trường, đảm bảo cho ngành Than phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tránh bù lỗ trong đầu tư khai thác than. Việc tăng giá điện lần này nằm trong lộ trình điều chỉnh giá than, giá khí, bù chênh lệch tỷ giá ngoại tệ. Cụ thể đối với giá than, ngày 15/9 Bộ Tài chính đã có thông báo tăng giá than bán cho điện, mức tăng từ 20% - 40% (tùy từng loại than). Do đó chi phí tăng thêm khoảng 900 tỷ đồng .
Nhiều nhà máy thủy điện sẽ gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh do EVN mua điện giá rẻ. Thực tế vấn đề này ra sao?
Theo quy định của Bộ Công Thương, EVN mua điện từ các nhà máy thủy điện theo tiêu chí tổng công suất đặt.
Với nhà máy thủy điện công suất từ 30 MW trở xuống, EVN ký hợp đồng theo mẫu của Bộ Công Thương quy định, trong đó, giá mua bán điện được thực hiện theo biểu giá do Bộ Công Thương ban hành từng năm (Quy định về biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu, áp dụng cho nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo, ban hành kèm theo Quyết định số 18/2008/QĐ ngày 18/7/2008). Nếu đơn vị nào sản xuất điện với giá thành thấp thì lãi. Còn những đơn vị sản xuất điện có chi phí đầu vào cao thì sẽ lỗ. Điều này hoàn toàn do khách quan, không thể đổ lỗi tại EVN mua rẻ.
Với nhà máy thủy điện có công suất trên 30 MW, EVN đàm phán hợp đồng mua bán điện theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư số 41/2010/TT-BCT ngày 14/12/2010 và được Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) thẩm định và phê duyệt. Giá mua bán điện được xác định theo phương pháp quy định trong Thông tư số 41, do hai bên thỏa thuận nhưng không vượt quá khung giá của nhà máy thủy điện do Bộ Công Thương phê duyệt.
Một số chuyên gia cho rằng do quản lý yếu kém cũng như việc đầu tư ngoài ngành của EVN dẫn đến tăng giá điện. Điều đó có đúng không?
Đối với đầu tư ngoài ngành, EVN đang thoái vốn theo lộ trình từ nay đến năm 2015. Trong giá thành sản xuất điện mà EVN công bố không bao gồm những chi phí đầu tư ngoài ngành. Đây là lĩnh vực hoạt động độc lập.
Lộ trình thoái vốn cụ thể với ngành ngân hàng, EVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đấu giá các công ty góp vốn, nếu không có đối tượng mua thì sẽ bán cho đối tác chiến lược theo giá sổ sách mà EVN đã lên phương án. Với công ty bảo hiểm, hiện đã có đối tác chiến lược thảo luận, thống nhất giá và chuẩn bị ký hợp đồng để nhượng lại. Các công ty bất động sản, đã có phương án cụ thể để thu lại vốn.
Năm 2012 EVN kinh doanh có lãi thì thưởng Tết thế nào?
- Chúng tôi không có kế hoạch thưởng Tết năm nay, vì thưởng Tết phải dựa trên kết quả quyết toán, trích lập các quỹ (phải bù hết lỗ mới có thưởng). Hiện 11.000 tỷ đồng lỗ trong hai năm 2010 - 2011 mới chỉ bù được 3.000 tỷ đồng. Do đó chưa có kế hoạch thưởng Tết. Có chăng chỉ thực hiện tạm ứng lương trước.
Giá điện của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới như thế nào, thưa ông?
- Giá điện ở Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, hiện chỉ ở mức gần 7 cent/kWh. Trong khi đó Thái Lan là hơn 9 cent/kWh, điều chỉnh 4 tháng/lần; Singapor hơn 20 cent/kWh, mỗi quý điều chỉnh một lần; Philippin là 27-28 cent/kWh điều chỉnh hàng tháng.
Số người dùng trên 400 kWh rất nhiều, tại sao không tăng mạnh ở đối tượng này? Tác động của việc tăng giá điện đến các doanh nghiệp như thế nào?
- Thực ra với mức tăng 5% đối với đối tượng này đã là tương đối khá. Trước mắt sẽ tăng đều nhưng vẫn giữ nguyên 50 kWh đầu để hỗ trợ người nghèo. Đối tượng dùng trên 400 kWh sẽ xem xét điều chỉnh giá trong những lần tiếp theo.
- Tác động của việc tăng giá đến doanh nghiệp cũng khác nhau. EVN không thể tính thay được. Đơn cử một nhà máy sản xuất thép dùng công nghệ tốt thì chi phí thấp, sản phẩm sẽ tăng giá trị cạnh tranh và ngược lại. Doanh ngiệp phải tự tính toán trên cơ sở các thông số đầu vào.
Lộ trình tăng giá bán điện của EVN trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Điện là sản phẩm quốc tế, các nhà máy của EVN gần như nhập 100% thiết bị công nghệ, vay vốn 80% từ nước ngoài, giá dầu nhập về cũng theo quốc tế, sắp tới các nhà máy của EVN phải nhập hàng chục triệu tấn than mỗi năm, nhập dầu, khí… cũng theo giá quốc tế...
EVN chỉ có thể giảm giá thành, chậm tăng giá khi EVN có các nhà máy đa mục tiêu. Theo Quyết định 24/2011/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ, 3 tháng sẽ tính toán điều chỉnh giá bán điện một lần trên cơ sở tính toán chi phí đầu vào.