15.000 mã sản phẩm

Là tổng số mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại, thiết bị trong danh mục Quy định dán nhãn năng lượng bắt buộc của Bộ Công Thương đã được dán nhãn năng lượng. Thông tin này được Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết tại buổi tọa đàm 'Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tầng ozon', diễn ra tại Hưng Yên mới đây.

Theo Bộ Công Thương, dán nhãn năng lượng là giải pháp hiệu quả giúp định hướng việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, loại dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu, trực tiếp giảm thải các chất khí gây tác động tới tầng ozon và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.

Việt Nam đã triển khai Chương trình dán nhãn năng lượng theo hình thức tự nguyện từ năm 2008 và bắt đầu thực hiện theo hình thức bắt buộc từ ngày 1/7/2013.

Mục tiêu của Chương trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương giảm 34 triệu tấn khí thải carbon dioxide vào năm 2030; giảm được nhu cầu tương đương 2 nhà máy điện đốt than công suất 1.000 MW.

Báo cáo của Hội Điều hòa không khí Việt Nam cho thấy, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hằng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí dán nhãn năng lượng, có hiệu suất cao vào khoảng 100 triệu kWh/năm. Có tới 62,8% sản phẩm điều hòa tại Việt Nam đạt hiệu suất năng lượng 4 sao, 5 sao.


  • 01/04/2019 09:00
  • Thành Trung
  • 6056