Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêu thụ điện năng cao nhất trên thế giới. Ảnh minh họa.
|
UAE, Indonesia: Tập trung vào các “mẹo” tiết kiệm điện
Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) là nước nằm ở khu vực Trung Đông, có khí hậu khắc nghiệt (mùa hè rất nóng). Đây cũng là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ điện năng vào loại cao nhất thế giới. Vì vậy, các cơ quan quản lý điện lực nước này đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL).
Cụ thể, quốc gia này đã thường xuyên tuyên truyền về “mẹo” tiết kiệm điện như, sử dụng điều hòa ở mức ít nhất 25oC, chuyển sang sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm điện hơn 85% so với bóng đèn sợi đốt.. trên phương tiện thông tin đại chúng, qua internet... Năm 2016, nhờ trợ giá của chính quyền UAE, người sử dụng có thể mua bóng đèn LED với giá thấp hơn 25% so với giá bán thông thường. Ngoài ra, cơ quan quản lý điện lực tại các Tiểu vương quốc thuộc UAE cũng thực hiện nhiều chương trình như: Dịch vụ sáng tạo ứng dụng công nghệ mới, phát triển bền vững… giúp người tiêu dùng kiểm soát việc sử dụng điện hiệu quả hơn.
Đối với Indonesia, từ năm 2016, Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản nước này cũng đã khởi xướng phong trào “Tiết kiệm 10% năng lượng điện”, kêu gọi những hành động thiết thực, hướng đến các đối tượng như chủ yếu như, cơ quan của chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và mỗi cá nhân. Theo nội dung tuyên truyền, mỗi hộ gia đình chỉ cần tiết kiệm 10% lượng điện tiêu thụ, sẽ tương đương với việc xây được 1 nhà máy điện công suất khoảng 900 MW và có thể cung cấp điện cho khoảng 2,5 triệu hộ gia đình (10 triệu người).
Chính phủ Indonesia kêu gọi người dân giảm các thiết bị điện và sử dụng điện tiết kiệm với khẩu hiệu “Dùng xong là tắt”. Các công sở, trung tâm thương mại, các điểm vui chơi công cộng cũng được quán triệt chủ trương tiết kiệm điện, sử dụng tối đa các bóng đèn LED.
Bộ truyện tranh "The Manga guide to Electricity". Ảnh: st. |
Nhật Bản: Trực quan sinh động
Để giải quyết vấn đề năng lượng trong một nước khan hiếm tài nguyên, nhưng nhu cầu sử dụng điện không ngừng gia tăng, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện. Cụ thể, Nhật Bản đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và sản xuất các thiết bị tiêu hao năng lượng ít hơn, đồng thời trợ giá cho người dân khi sử dụng các thiết bị đó...
Đặc biệt, Nhật Bản tập trung vào các giải pháp tuyên truyền rất đơn giản, trực quan. Đó là việc tổ chức các chiến dịch TKNL trên toàn quốc, nổi bật là chiến dịch Cool Biz. Chiến dịch này do Bộ Môi trường Nhật Bản phát động năm 2005, nhằm đối phó với nguy cơ thiếu điện và giảm lượng phát thải khí CO2 ra môi trường.
Nhật Bản kêu gọi các cơ quan, công sở đi làm sớm hơn, duy trì nhiệt độ điều hòa nơi công sở ở mức 28oC. Ngoài ra, các nhân viên công sở được khuyến khích mặc các trang phục thoải mái như áo phông ngắn tay và đi giày thể thao đế mềm thay vì các bộ áo vest; khuyến khích nhân viên nghỉ hè nhiều hơn... Các cơ quan nhà nước được yêu cầu gương mẫu thực hiện. Hưởng ứng Cool Biz, tất cả lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản đều tiên phong sử dụng trang phục thoải mái đến công sở, thậm chí Thủ tướng Nhật thường xuyên trả lời phỏng vấn mà chỉ mặc trang phục bình thường. Ngày bắt đầu chiến dịch, các poster quảng cáo, cổ động tuyên truyền xuất hiện trên hàng loạt các tờ báo, trong đó có các hình ảnh các nhân viên công sở trong trang phục áo phông và áo sơ mi nhiều màu sắc.
Bên cạnh đó, các công ty điện lực cũng triển khai các chương trình khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Năm 2017, một nhóm các công ty điện lực ở Nhật Bản đã phát động cuộc thi tiết kiệm năng lượng giữa các khách hàng. Theo đó, các hộ gia đình tham gia sẽ được cung cấp các số liệu tiêu thụ điện năng của mình và các hộ khác ở xung quanh để đối chiếu, đồng thời được tư vấn để thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.
Ngoài ra, các chiến dịch vận động và giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng được thể hiện rất đa dạng, linh hoạt thông qua các phương tiện truyền thông như: Phát động ngày bảo tồn năng lượng, tháng bảo tồn năng lượng, hội chợ triển lãm; trao giải cho những công dân có những ý tưởng hay về TKNL...
Nhật Bản còn đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục TKNL cho trẻ em. Từ nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được dạy cách dùng màn che nắng, trồng cây để mát nhà, lúc ngủ tắt tivi, rút dây điện ra khỏi ổ cắm… Đặc biệt, bộ truyện tranh “The Manga Guide to electricity” với hình ảnh đẹp, lời thoại ngắn gọn, dễ hiểu, cốt truyện hấp dẫn... giúp các em nhỏ nhanh chóng hiểu được những khái niệm tưởng chừng khô khan về kĩ thuật điện như: Điện là gì, mạch điện là gì, làm thế nào để tạo ra điện... Từ đó giáo dục về tiết kiệm điện cho trẻ em một cách dễ hiểu, thú vị.