Đạt chứng nhận công trình xanh có khó?

Nhiều doanh nghiệp (DN) băn khoăn, làm thế nào để được cấp chứng chỉ công trình xanh? Để cung cấp thông tin cho bạn đọc, Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Thành Long, Giám đốc Hội đồng Công trình xanh Việt Nam – đơn vị cấp chứng chỉ xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết rõ hơn về phong trào công trình xanh cũng như bộ công cụ đánh giá (Lotus) dành cho lĩnh vực này?

Ông Đặng Thành Long: Phong trào công trình xanh đã xuất hiện từ những năm 1990 tại Anh, Mỹ. Từ đó người ta đã đặt ra câu hỏi, làm thế nào để khuyến khích các chủ đầu tư làm nhiều công trình xanh hơn nữa và sáng kiến cần phải có một bộ công cụ đánh giá ra đời. Lotus là một bộ công cụ như thế. Nếu như trong thiết bị điện thì là dán nhãn, còn trong lĩnh vực xây dựng, đối tượng dán nhãn khá đặc biệt, là các công trình xây dựng nên phức tạp hơn rất nhiều.

Ông Đặng Thành Long

Trên thế giới, mỗi nước có một công cụ kỹ thuật đánh giá khác nhau phù hơp với điều kiện khí hậu, tiêu chuẩn xây dựng nước mình. Tại Việt Nam, Lotus là một bộ công cụ có tích hợp những yêu cầu về xây dựng của Bộ Xây dựng Việt Nam, điều kiện khí hậu, thói quen, trình độ xây dựng, kỹ thuật của Việt Nam hiện tại. Nói cách khác, Lotus được xây dựng theo tiêu chuẩn của các bộ công cụ khác trên thế giới nhưng được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Vậy Lotus gồm những yếu tố nào, thưa ông?

Ông Đặng Thành Long: Lotus có gồm 10 tiêu chí khác nhau, nhóm tiêu chí quan trọng nhất là nước, điện, vật liệu, chất lượng không khí trong tòa nhà, bảo vệ môi trường... Chẳng hạn, để đạt được chứng chỉ Lotus hạng bạch kim như tòa nhà xanh của Liên hợp quốc, các tiêu chí ấy phải đạt điểm rất cao, từ tiết kiệm điện, nước đến sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu tiêu hao điện năng thấp, chất lượng không khí trong tòa nhà. Việc cung cấp ánh sáng, khí tươi, thông gió tự nhiên phải đạt được ở mức độ cao. Một tòa nhà đạt chứng chỉ hạng bạch kim phải là một tòa nhà rất toàn diện, tốt cho sức khỏe người sử dụng và bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam có nhiều không những tòa nhà như vậy?

Ông Đặng Thành Long: Việt Nam hiện mới có hai công trình đạt được chứng chỉ hạng bạch kim là một nhà máy may mặc ở Long An và ngôi nhà xanh của Liên hợp quốc.

Ông thấy quá trình triển khai phong trào công trình xanh ở Việt Nam còn gặp những khó khăn gì? DN có “mặn mà” hay không, và họ muốn đăng ký tham gia thì phải làm như thế nào?

Ông Đặng Thành Long: Đây là phong trào khá mới, nhất là với các chủ đầu tư tư nhân. Họ phải chịu áp lực về tài chính, khi huy động tài chính đủ thì phải chịu áp lực về tiến độ, xin giấy phép và rất nhiều thủ tục pháp lý. Tiếp nữa là phải đem dự án ra thị trường càng nhanh càng tốt.

Trong quá trình xây dựng có những vấn đề kỹ thuật rất phức tạp, phải đảm bảo tính an toàn đầu tiên, trong khi đó chủ đầu tư chỉ lo có dự án đã khó rồi nên rất ngại áp dụng cái mới, ngại rủi ro. Nhưng một khi đã vượt qua các rào cản ấy rồi thì các đội dự án sẽ tiếp thu đc rất nhanh.

So với các công trình xây dựng hiện nay thì số lượng công trình xanh còn ít. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, số dự án đăng ký tham gia đã tăng gấp đôi. Nếu như tháng 3 năm nay mới có 81 dự án đăng ký thì con số này hiện đã lên trên 90. Do đó, 2-3 năm nữa, khi các dự án hoàn thiện thì số công trình được cấp chứng chỉ sẽ tăng lên đáng kể.

Hiện nay đã có khá nhiều chuyên gia về công trình xanh ở Việt Nam chủ động khuyên chủ đầu tư làm công trình xanh. DN muốn tham gia có thể hỏi chuyên gia hoặc liên hệ với Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam để được tư vấn cụ thể.

Xin cảm ơn ông!


  • 08/06/2017 09:33
  • Theo baoxaydung.com.vn
  • 4327