Tiến sĩ Phạm Thái Lai
|
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ quan điểm của Siemens về xu thế phát triển bền vững?
Tiến sĩ Phạm Thái Lai: Theo Siemens, phát triển bền vững bao trùm ba phương diện: Hành tinh, con người và lợi nhuận. Phát triển bền vững phải gắn liền với bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên – vì hành tinh của chúng ta. Về con người, phát triển bền vững phải đảm bảo giúp cải thiện phúc lợi và chất lượng cuộc sống. Về lợi nhuận, phát triển bền vững phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tôi muốn nhắc đến một câu nói nổi tiếng của ngài Werner von Siemens: “Tôi sẽ không đánh đổi tương lai vì những lợi nhuận trước mắt”. Đây được xem là kim chỉ nam và là tôn chỉ hoạt động của Siemens trong gần 170 năm qua.
Tại Siemens, chúng tôi áp dụng các nguyên tắc về bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị – từ các nhà cung cấp đến các hoạt động của tập đoàn và cho đến khách hàng – bằng việc phát triển các sản phẩm và giải pháp bền vững. Trong năm tài khóa vừa qua, dải sản phẩm môi trường của chúng tôi đã giúp khách hàng và đối tác trên toàn cầu giảm phát thải khí CO2 lên tới 521 triệu tấn.
Con số này tương đương với hơn 60% lượng phát thải CO2 mỗi năm của nước Đức. Nhờ đó, khách hàng có thể cải thiện hiệu quả năng lượng, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh.
Chúng tôi dự định đầu tư 100 triệu euro trong vòng 3 năm tới để cải thiện sự cân bằng năng lượng trong các tòa nhà và cơ sở sản xuất, lắp đặt hệ thống phân phối điện và hệ thống năng lượng điện tái tạo cho các văn phòng, trụ sở của Siemens. Các khoản đầu tư trên là bền vững khi xem xét từ 2 khía cạnh: Kinh tế và sinh thái. Hơn thế, chúng tôi đã và đang hỗ trợ tích cực cho các sáng kiến toàn cầu, nhằm củng cố các tiêu chuẩn bền vững trên toàn thế giới và chia sẻ các bí kíp công nghệ.
PV: Với vai trò là tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ xanh, Siemens đang cung cấp những gì để sử dụng năng lượng hiệu quả?
Tiến sĩ Phạm Thái Lai: Siemens đã phát triển Chương trình Năng lượng hiệu quả (Energy Efficiency Program – EEP) toàn diện từ năm 2011, giúp hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại, nhằm mang lại hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn, giảm phát thải CO2 và giảm chi phí vận hành – tất cả đều cộng với thời gian hoàn vốn ngắn.
Danh sách các sản phẩm phù hợp trong dải sản phẩm của Siemens rất dài, bao gồm quản lý điện năng, hệ thống giám sát, công nghệ tự động hóa cho tòa nhà và chu trình sản xuất cũng như hệ thống truyền động tiết kiệm năng lượng.
Một điều rất quan trọng cần đảm bảo là tất cả các hệ thống và bộ phận đều được thiết lập để hoạt động cùng nhau. Giải pháp tổng thể tòa nhà (Total Building Solutions – TBS) của Siemens cung cấp mức độ tích hợp trên. Tại đây tất cả hệ thống điện lắp đặt, sưởi ấm, điều hòa không khí, thông gió, đèn chiếu sáng, mành che, hệ thống ra vào, máy quay giám sát, hệ thống báo động, báo cháy và sơ tán được thiết kế để vận hành đồng bộ hoàn hảo. Với giải pháp truyền động tối ưu, lượng tiêu thụ điện của truyền động công nghiệp có thể được giảm tới 70%.
Việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong vận chuyển cũng có thể đạt được nhờ các hệ thống vận chuyển khối lượng lớn như tàu điện ngầm, phương tiện chạy bằng điện và xe buýt dùng động cơ hybrid. Phương tiện chạy bằng điện có thể được tích hợp thành một phần của lưới điện thông minh; đồng thời rất kinh tế với tổng mức tiết kiệm từ chi phí về bảo dưỡng và thay thế phụ kiện cùng lượng điện tiết kiệm có thể lên tới 30%.
PV: Báo cáo “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” của Việt Nam (INDC) cam kết sẽ giảm phát thải khí nhà kính từ 8% – 10% vào năm 2020 trong bối cảnh kinh doanh bình thường. Siemens giúp Việt Nam thực hiện cam kết trên như thế nào?
Tiến sĩ Phạm Thái Lai: Chúng tôi là nhà thầu chìa khóa trao tay và là nhà cung cấp chính cho các dự án điện chủ chốt tại Việt Nam như: Nhà máy điện Phú Mỹ 2-1 mở rộng, Phú Mỹ 3, Cà Mau 1&2 và Nhơn Trạch 2. Công nghệ của Siemens trong nhà máy điện chu trình kết hợp đã giúp Việt Nam giảm gần 5 triệu tấn CO2 phát thải mỗi năm so với mức trung bình toàn cầu.
Truyền tải năng lượng hiệu quả là một trong các khía cạnh quan trọng khác trong việc cung cấp điện. Các trang thiết bị hiện đại của chúng tôi đã được lắp đặt tại nhiều trạm điện lớn trong lưới điện quốc gia như trạm Sơn La 500 kV và Quảng Ninh 500 kV – giúp truyền tải điện qua khoảng cách dài với mức thất thoát ít hơn.
Thêm vào đó, các sản phẩm tự động hóa và truyền động tiết kiệm năng lượng của Siemens cũng đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam như thực phẩm và đồ uống, xi măng và luyện kim. Hệ thống Quản lý tòa nhà Apogee và Hệ thống Báo cháy Algorex của Siemens đã được lắp đặt trong nhiều công trình quan trọng như: Tòa nhà Bitexco ở TP. Hồ Chí Minh và Sân vận động quốc gia Mỹ Đình tại Hà Nội, giúp khách hàng giảm chi phí sử dụng năng lượng với mức trung bình từ 20% – 30%, từ đó góp phần vào việc giảm phát thải đáng kể khí CO2.
Ngoài ra, công nghệ truyền động hybrid ELFA của Siemens có thể giúp xe buýt giảm tiêu thụ nhiên liệu lên tới 35%. Theo như tính toán của chúng tôi, việc sử dụng một tuyến tàu điện tại TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp giảm hơn 400.000 tấn CO2 mỗi năm. Chúng tôi cũng đang tập trung vào việc đưa công nghệ phát điện gió vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Siemens sở hữu một dải sản phẩm và giải pháp phong phú về cơ sở hạ tầng, giúp các thành phố tăng khả năng chống chịu và trở nên bền vững hơn. Những giải pháp như: Lưới điện thông minh, giải pháp phần mềm cho tự động hóa đường sắt, quản lý giao thông, quản lý sơ tán, hệ thống quản lý tòa nhà đóng góp vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ môi trường.
Công nghệ Tự động hóa của Siemens đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới có thể hỗ trợ việc quản lý ngập lụt và tạo ra dự trữ nước ngọt cho các đô thị. Cho dù đó là việc khử mặn nước biển, xử lý nước ngọt và nước thải hay quản lý hệ thống vận chuyển và phân phối nước, các giải pháp công nghệ của chúng tôi đều cung cấp sự trợ giúp xuyên suốt, từ khâu lập quy hoạch cho tới giám sát và tối ưu hóa hệ thống.
PV: Ông có nhận xét gì về vai trò của Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong “cuộc chiến” chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường?
Tiến sĩ Phạm Thái Lai: Theo quan điểm của tôi, mấu chốt của phát triển bền vững chính là việc tư duy và hành động cùng nhau với vai trò là các đối tác. Hơn bao giờ hết, Chính phủ và các doanh nghiệp phải đồng tâm hiệp lực để hành động một cách bền vững trong tương quan giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và xã hội.
Tôi khẳng định rằng, khu vực tư nhân cũng có những trách nhiệm ngang với Chính phủ, thậm chí là nhiều hơn, trong việc tham gia tích cực vào các nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính, cũng như chủ động dẫn dắt sự chuyển dịch sang nền kinh tế ít phát thải và có khả năng chống chịu các tác động tiêu cực của khí hậu, bảo vệ sinh thái.
Sự tham gia của khu vực tư nhân có thể được tăng cường hơn nếu Chính phủ thúc đẩy sự gia tăng dòng vốn đầu tư cho năng lượng sạch, khuyến khích các hoạt động kinh doanh có dấu chân các bon thấp, phát triển môi trường pháp lý, khuyến khích sự tham gia của năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Tôi cũng đề xuất Chính phủ đẩy mạnh thực hiện vai trò quản lý và giám sát để đảm bảo tuân thủ theo Luật Môi trường, đồng thời áp dụng các biện pháp cứng rắn với các hành vi vi phạm.
PV: Xin cảm ơn ông!