Phát triển năng lượng tái tạo: Tiềm năng rất lớn nhưng thách thức còn nhiều

Làm thế nào để hiện thực hóa tiềm năng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam? Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tietkiemnangluong.vn đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ (TS) Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tiến sĩ Đoàn Văn Bình - Ảnh: Ng.Tuấn.

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện nay?

TS Đoàn Văn Bình: Là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo phong phú, đa dạng như: Nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, rác thải…Trong 4 nước tại khu vực Đông Nam Á được Ngân hàng thế giới khảo sát về năng lượng gió thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia.

Nước ta có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ tốt đến rất tốt để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn. Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La (con số này bao gồm cả gió trên biển, gió ở thềm lục địa và gió trên đất liền).

Về năng lượng mặt trời, tính từ vĩ tuyến 17 trở vào phía Nam, bức xạ mặt trời nhiều và ổn định trong suốt thời gian của năm, chỉ giảm khoảng 20% trong mùa mưa. Số giờ nắng trong năm ở miền Bắc là vào khoảng 1.500 – 1.700 giờ, ở miền Trung và miền Nam, là vào khoảng 2.000-2.600 giờ.

Ngoài 2 nguồn năng lượng tái tạo kể trên chúng ta còn những nguồn năng lượng tái tạo khác như: Năng lượng sinh khối, khí sinh học, rác thải, địa nhiệt… Như nguồn năng lượng về rác thải, tổng lượng rác thải toàn quốc khoảng gần 20 triệu tấn một năm, trong đó rác thải sinh hoạt chiếm 85% tương đương khoảng 15 triệu tấn/năm chủ yếu ở các khu đô thị và thành phố. Đây cũng là một nguồn đáng kể để chúng ta có thể sản xuất, biến đổi thành năng lượng

PV: Như thông tin Tiến sỹ vừa cho biết, những nguồn năng lượng này mới chỉ là tính toán về mặt “tiềm năng”… Vậy khả năng thực hiện trên thực tế thì sao, thưa ông?

TS Đoàn Văn Bình: Nói đến tiềm năng các nguồn năng lượng, chúng ta đề cập đến 3 loại tiềm năng như: Tiềm năng về lý thuyết, dựa trên các điều kiện tự nhiên và có thể tính toán được khả năng chuyển hoá được các dạng nguồn đó thành năng lượng. Tiềm năng kỹ thuật, dựa trên trình độ hiện tại về kỹ thuật và công nghệ, chúng ta có thể khai thác, sản xuất được năng lượng chưa tính đến giá thành sản xuất năng lượng. Thứ ba là tiềm năng thương mại là dựa trên hiệu quả đầu tư, sản xuất năng lượng. 

Để có thể biến tiềm năng năng lượng tái tạo thành năng lượng thương mại là cả một bước dài. Cần phải phát triển kỹ thuật và công nghệ khai thác hiệu quả, giảm giá thành sản xuất và có cơ chế chính sách thúc đẩy hiệu quả và những hành động thực thi chính sách quyết liệt.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh: Ng.Tuấn.

PV: Thưa ông, Chính phủ đã khẳng định tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời đã trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Đoàn Văn Bình: Trên thực tế, giá đầu tư 1 kW điện gió hiện nay khoảng 2.370 đô la Mỹ, giá thành sản xuất điện gió khoảng 10 đến 12 cent/1 kWh tuỳ theo điều kiện lắp đặt. Giá đầu tư 1 kWh mặt trời đã giảm gần một nửa trong 4 đến 5 năm trở lại đây, từ 3.500 đến 4.000 đô la Mỹ giảm xuống còn khoảng 1.770 đô la Mỹ đến 2.200 đô la Mỹ tuỳ theo điều kiện lắp đặt.

Tuy vậy thì giá sản xuất điện mặt trời vẫn khoảng 10 đến 12 cent/1 kWh. Rõ ràng giá sản xuất điện như thế này vẫn rất khó cạnh tranh với các dạng năng lượng truyền thống như nhiệt điện than hay thuỷ điện, giá thành chỉ bằng một nửa.

Vì vậy nếu không có các cơ chế chính sách thích hợp thì cơ hội cạnh tranh của các nguồn năng lượng tái tạo là rất thấp. Tôi tin là Chính phủ sẽ sớm ban hành cơ chế thích hợp để khuyến khích phát triển điện mặt trời để đảm bảo mục tiêu đưa tổng công suất điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên 12.000 MW vào năm 2030.

PV: Việt Nam có nhiều cơ hội để làm điện mặt trời, nhưng cũng có khá nhiều thách thức cả về vốn đầu tư, công nghệ. Hiện giá thành sản xuất điện mặt trời đang cao gấp đôi so với sản xuất điện truyền thống…Phải chăng những điều này đã làm cho các nhà đầu tư dè dặt?

TS Đoàn Văn Bình: Đúng là có rất nhiều thách thức về đầu tư phát triển điện mặt trời.

Đầu tiên là nó cần một nguồn vốn rất lớn, do điện mặt trời chỉ khai thác được khoảng trên 2.000 giờ trong năm, nên phải có trên 3 nhà máy điện mặt trời cùng công suất mới cho 1 lượng điện năng bằng 1 nhà máy nhiệt điện than chưa kể xuất đầu tư cho 1 kW điện mặt trời cũng cao hơn nhiệt điện than (tất nhiên là chi phí vận hành điện mặt trời không đáng kể so với nhiệt điện than).

Thứ hai điện mặt trời cũng chiếm diện tích đất lớn, 1 MW điện mặt trời cần từ 1 đến 1,5 ha đất.

Thứ ba là điện mặt trời chỉ phát khi ban ngày có ánh sáng mặt trời. Điều này làm thay đổi các chế độ vận hành của hệ thống điện vì vậy yêu cầu hạ tầng hệ thống điện phải được cải thiện để sẵn sàng tiếp nhận điện mặt trời, nhất là các nhà máy có công suất lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn MW.

Tất cả những điều đó đều được tính vào giá thành sản xuất điện mặt trời, và nó cao là tất nhiên và chúng tôi chia sẻ với những băn khoăn của các nhà đầu tư. Ở đây cũng cần tính đến sự công bằng giữa những người sản xuất điện và người mua điện.

Báo cáo của UNDP tháng 3/2016 cho thấy rằng giá điện trung bình của các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thailand đề khoảng trên 11 cent/ 1 kWh, đặc biệt Brazil trên 35 cent, Philippine gần 35 cent/1 kWh trong khi ở Việt Nam chỉ là trên 7 cenh/1 kWh. Đây là rào cản lớn nhất để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

PV:  Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) năng lượng tái tạo sẽ phát triển nhanh trong 5 năm tới bởi chi phí thấp và các chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng này… Vậy hiện tại ở Việt Nam đã có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư như thế nào,  thưa ông?

TS Đoàn Văn Bình: Ở trong nước, Chính phủ đã có nhiều quyết định về cơ chế chính sách hỗ trợ, như: Quyết định 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/08/2007 về cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch; Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Quyết định 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam; Quyết định 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/05/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng có các Quyết định 18/2008/QĐ-BCT ngày 18/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo; Quyết định 22/QĐ-ĐTĐL ngày 02/04/2014 của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực ban hành biểu giá chi phí tránh được; hay Thông tư số 96/2012/TT-BTC ngày 08/6/2012 của Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới;

Đến nay, được biết chúng ta có Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 cho cơ chế giá ưu đãi đối với điện gió (7,8 cent/kWh; nhưng giá này vẫn còn thấp so với thực tế).

Đối với hỗ trợ từ quốc tế, tuỳ theo các dự án cụ thể và phù hợp với mục tiêu tài trợ của các tổ chức, sẽ có những hỗ trợ khác nhau. 

PV: Xin cảm ơn ông.