Ông Vũ Hồng Phong |
Phóng viên (PV): Có ý kiến cho rằng, vốn là nguyên nhân chính khiến công trình xanh ở Việt Nam chưa phát triển. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Vũ Hồng Phong: Nếu nói xây dựng công trình xanh đội chi phí từ 20 - 30% là không đúng. Đây chỉ là sự hiểu lầm của chủ đầu tư về chi phí xây dựng công trình xanh. Hội đồng Công trình xanh Việt Nam đã tính toán theo từng công trình cụ thể và cho thấy, chi phí khi đầu tư công trình xanh chỉ tăng 1,8 - 2% so với công trình thông thường, thậm chí có những công trình không tăng.
Yếu tố quyết định khi đầu tư một công trình xanh thành công không phải là sử dụng vật liệu đắt tiền mà là ý tưởng của người thiết kế. Khi thiết kế, cần nghiên cứu kĩ hướng nắng, hướng gió, các phương án chắn nắng, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường... vừa tiết kiệm chi phí xây dựng, tiết kiệm năng lượng, tăng tiện nghi cho người sử dụng, vừa bảo vệ môi trường...
Điển hình, những tòa nhà cổ do Pháp xây dựng từ thời xưa, tường dày 50 cm, cửa sổ trong kính ngoài chớp, mùa đông ấm, mùa hè mát, nhu cầu sử dụng năng lượng thấp. Trong khi đó, hiện nay, nhiều công trình được bao phủ hoàn toàn bằng kính, chi phí đầu tư lớn, nhưng hàng tháng vẫn phải trả tiền điện rất cao, do chịu tác động của bức xạ mặt trời.
PV: Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến công trình xanh ở Việt Nam chưa phát triển, thưa ông?
Ông Vũ Hồng Phong: Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức của người sử dụng và chủ đầu tư còn hạn chế. Hay nói cách khác, cung ít - cầu ít và ngược lại: Cầu ít nên cung chưa nhiều.
Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích công trình xanh phát triển. Ở Singapore, khi xây dựng công trình xanh, chủ đầu tư được hưởng các ưu đãi về thuế, về sử dụng đất... Chính vì vậy, ở Quốc đảo này, công trình xanh đã chiếm gần 75% diện tích sàn.
Hay như nước Pháp, Chính phủ đã có những chương trình ưu đãi vay không lãi suất cho người dân khi mua nhà xanh. Nhờ đó, mọi người hiểu rõ ưu điểm của công trình xanh và đều có chung suy nghĩ: Mua nhà xanh sẽ được ưu đãi. Nhu cầu của người dân tăng lên, kéo theo thị trường công trình xanh phát triển...
PV: Như vậy, để thúc đẩy công trình xanh phát triển, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, kích cầu thị trường?
Ông Vũ Hồng Phong: Đúng vậy! Chính phủ cần phải có nhiều ưu đãi hơn như: Giảm thuế; ưu đãi về hệ số sử dụng đất (TP.HCM đã thực hiện)... để khích lệ các chủ đầu tư xây dựng công trình xanh; khích lệ người tiêu dùng tìm đến với các dự án nhà xanh...
Ngoài ra, Nhà nước cần phải tiến hành thanh kiểm tra việc thực thi QCVN 09:2013/BXD của Bộ Xây dựng về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”. Quy chuẩn đã có hiệu lực gần 3 năm, nhưng hiện chưa có nhiều đơn vị thực hiện. Trong khi đó, những cán bộ giám sát thực thi Quy chuẩn ở địa phương lại chưa được đào tạo về lĩnh vực này.
PV: Trong lúc chờ cơ chế ưu đãi, Việt Nam đã và đang có những hoạt động gì nhằm thúc đẩy công trình xanh phát triển, thưa ông?
Ông Vũ Hồng Phong: Hiện nay, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam cùng các đối tác thường xuyên tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của giới kiến trúc sư, chủ đầu tư về các vấn đề “nóng” của công trình xanh như: Chi phí, các gói vay ưu đãi, giải pháp thực hiện công trình xanh... Đồng thời chứng minh rằng: Xây công trình xanh không hề khó, không hề đắt.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã và đang làm việc với các ngân hàng địa phương, thông qua các gói vay kiến trúc xanh để hỗ trợ, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng công trình xanh. Bên cạnh đó, WB cũng hỗ trợ các địa phương đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, khi thẩm định hồ sơ các công trình theo QCVN 09/2013; đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực này. Dự kiến, đến năm 2017, khóa đào tạo sẽ kết thúc.
Hiện nay, một số trường đại học đã bắt đầu đưa các hợp phần về công trình xanh vào giảng dạy; đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, hội thảo, nâng cao nhận thức của sinh viên - những kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng tương lai về công trình xanh.
PV: Xin cảm ơn ông!