PV: Thưa ông, theo Biên bản ghi nhớ được ký cách đây 1 năm, GE sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam để phát triển tối thiểu 1.000 MW điện gió tới năm 2025. Việc thực thi thế nào và thách thức lớn nhất khi thực hiện mục tiêu này là gì, thưa ông?
Theo Biên bản ghi nhớ, Chính phủ Việt Nam cần ban hành một hợp đồng mua bán điện (PPA), trong đó nói rõ giá điện hỗ trợ (feed-in-tariff, gọi tắt là FIT). Một khi giá điện này rõ ràng thì các ngân hàng, nhà đầu tư, các tổ chức sẽ có cơ sở để đầu tư. Chúng tôi đang làm việc với Chính phủ Việt Nam về việc ban hành PPA với một mức FIT rõ ràng được ban hành. Khi đó, việc thực hiện mục tiêu trên sẽ không còn là thách thức lớn nữa.
Ông Andres Isaza, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Thương mại mảng năng lượng tái tạo Tập đoàn General Electric (GE)
|
Nhà đầu tư sẽ quan tâm đến giá mua điện trong PPA. Tuy nhiên, điều này không quan trọng bằng khoảng thời gian mà nhà nước đảm bảo sẽ mua bằng giá đó. Với nội dung này, các tổ chức, nhà đầu tư sẽ tính toán được rõ ràng lời lãi như thế nào khi quyết định đầu tư. Hiện GE đang tham gia cùng với các cơ quan có liên quan của Chính phủ Việt Nam định hình hợp đồng này. Chúng tôi tin là kế hoạch 1.000 MW tới năm 2025 sẽ nằm trong tầm tay.
PV: Một vấn đề khác nữa của điện tái tạo là khả năng thích ứng với hệ thống lưới điện. Hiện nay, hệ thống lưới điện của Việt Nam có thể thích ứng được với năng lượng tái tạo không, thưa ông?
Đúng là kết nối lưới điện là điều quan trọng nhất. Có không ít quốc gia trên thế giới đã mắc sai lầm là xây dựng nhiều trang trại điện gió rồi nhận ra rằng, họ không có hạ tầng lưới điện có thể thích ứng với điện gió.
Gần đây, chúng tôi đã trao đổi với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tầm quan trọng của việc cải thiện hệ thống lưới điện. Hệ thống có thích ứng được, việc xây dựng trang trại điện gió mới có ý nghĩa. Vấn đề ở đây là nâng cấp hệ thống lưới điện thì cần nhiều thời gian, còn năng lượng tái tạo, như điện mặt trời và gió, thì cần một thời gian trước khi phát triển rộng, nhưng một khi đã bắt đầu thì công suất tăng rất nhanh.
Do đó, chúng tôi lo ngại rằng, sẽ có một khoảng cách giữa tốc độ phát triển điện gió và điện mặt trời và tốc độ mà hệ thống có thể thích ứng. Chúng tôi khuyến khích EVN tập trung hơn vào lưới điện, để khi nào có PPA thì lưới điện sẵn sàng để đón điện gió. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, lưới điện tốt là trụ cột để phát triển năng lượng tái tạo bền vững ở Việt Nam.
PV: GE đã đề xuất gì với Việt Nam trong quá trình phát triển lưới điện, để tạo điều kiện cho kế hoạch phát triển điện gió của Việt Nam được thực hiện dễ dàng hơn?
Trong vai trò nhà tư vấn, chúng tôi cố gắng đảm bảo hai yếu tố cả về cơ chế giá điện và phát triển lưới điện đi song song với nhau. Và chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ tìm kiếm nguồn tài trợ cho cả kết nối ngắn và kết nối cả nước. Đối với kết nối ngắn từ trang trại điện gió đi vài ki-lô-mét, khoản đầu tư sẽ nằm luôn trong gói đầu tư vào trang trại điện gió.
Còn đối với lưới điện cả nước, ví dụ như đường dây Bắc - Nam, thì việc đầu tư sẽ là do EVN và chúng tôi cũng giúp EVN tìm nguồn tài trợ cho khoản đầu tư này.
PV: Có vẻ như năng lượng tái tạo đòi hỏi đầu tư lớn không chỉ vào mỗi nhà máy phát điện mà cả hệ thống lưới điện. Vậy, sản xuất điện tái tạo có cạnh tranh không, thưa ông?
Trong 10 năm qua, giá của năng lượng tái tạo đã giảm mỗi năm trung bình 6%. Cho nên, chắc chắn là năng lượng tái tạo vừa cạnh tranh, vừa bền vững.
Nhưng câu hỏi này có ở nhiều nước, nhiều khu vực trong giai đoạn đầu phát triển năng lượng tái tạo. Ở nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ La - tinh, Trung Đông và Đông Nam Á, nhà nước đã thực hiện hỗ trợ năng lượng tái tạo bằng cách trợ giá. Việc này chấm dứt khi năng lượng tái tạo đạt đến một quy mô nhất định, có thể sống mà không nhờ trợ giá. Đó là điều chúng tôi đã thấy tại rất nhiều nước trong 10 năm qua và hiện nay, ngày càng có nhiều các dự án lớn bắt đầu phát điện.
Bàn về FIT, thì tùy vào điều kiện tự nhiên tại mỗi nước và mỗi vùng, bởi vì một mức FIT hợp lý ở nước này có thể không hợp lý ở nước khác.
PV: Bên cạnh FIT, thì tài chính cũng là một vấn đề với các nhà đầu tư. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thay đổi chính sách của nước Mỹ với biến đổi khí hậu. GE là một công ty của Mỹ, vậy việc này có gây ra thách thức về tài chính cho các dự án năng lượng xanh mà GE tham gia trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam không?
Ở Mỹ, năng lượng tái tạo đã đạt được nhiều thành công. Thậm chí, ở Mỹ cũng như ở nhiều nước khác, ngành năng lượng tái tạo không cần thêm trợ giá, hay cần được đối xử đặc biệt.
Về tài chính, chúng tôi không lệ thuộc vào các tổ chức Mỹ. Chúng tôi vay vốn của các tổ chức trên toàn thế giới để hỗ trợ tài chính cho Việt Nam, nên cũng không liên quan lắm đến nước Mỹ. Chính sách của Mỹ như thế nào cũng không ảnh hưởng đến việc chúng tôi có thể làm gì ở Việt Nam.