Trả đất cho nước
PV: Với tình trạng “hễ mưa là ngập” ở Hà Nội như hiện nay, giải pháp giảm bớt ngập úng bằng “xanh hoá” làm tăng khả năng tiêu thoát tự nhiên trong đô thị của ông nhận được nhiều sự quan tâm. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về giải pháp này?
KTS Võ Trọng Nghĩa: Bản chất của một vùng đất trước khi con người đặt chân đến là những mảnh xanh thuần túy của đồng ruộng, rừng cây… nơi đất hấp thụ được nước. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, diện tích bê tông hóa tăng, các mái nhà đổ nước mưa xuống chỉ có thể thoát ra các hệ thống cống, dẫn tới ngập úng là chuyện tất yếu. Đó là chưa kể đến việc tăng diện tích bê tông hóa vùng ven (vốn có diện tích ao hồ lớn) sẽ khiến cho Hà Nội tiếp tục ngập và ngập cục bộ.
KTS Võ Trọng Nghĩa
|
Cho nên, lấy đi bao nhiêu diện tích “xanh”, phải trả lại cho trái đất ở mức độ tương xứng. Giải pháp xanh hóa giải quyết các vấn đề bức xúc cố hữu của xã hội. Hà Nội đang thiếu rất nhiều cây xanh nên cần làm những công trình có nhiều cây xanh để giải quyết trực tiếp và cụ thể vào bài toán đó.
Ví dụ, xây dựng một tòa nhà làm toàn bộ mái xanh thì mới trả lại đủ không gian dành cho nước. Thậm chí, muốn tăng thêm phần diện tích xanh cho công trình là hoàn toàn có thể bằng cách bố trí khoảng xanh ở mặt tiền. Với 100m2 diện tích đồng ruộng có thể làm nhiều hơn thành 200 - 300m2 cây xanh cho một công trình. Như vậy, diện tích cây xanh tăng, nước sẽ được giữ lại tốt khi trời mưa. Về cơ bản, giải pháp Greening the city nếu kết hợp với các biện pháp làm các nhà máy, cống thoát nước… việc ngập lụt tại Hà Nội chắc chắn giảm đáng kể.
PV: Vậy, ưu thế vượt trội của cách tiếp cận “mềm” khi sử dụng hạ tầng cây xanh phải chăng là hạn chế sự can thiệp một cách thô bạo vào quy luật tự nhiên bằng bê tông hóa?
KTS Võ Trọng Nghĩa: Tại nhiều nước trên thế giới, chỉ tiêu diện tích cây xanh bình quân đầu người rất cao, ví dụ như các TP của Nhật đạt 7,5m2/người. Trong khi đó, tại Hà Nội chỉ tiêu này không quá 2m2/người, thuộc hàng thấp của thế giới. Việc tăng lượng cây xanh nhiều hơn, các công trình kiến trúc xanh rộng khắp đã thực hiện có hiệu quả tại nhiều nước như Canada, Mỹ, Singapore… để chống ngập lụt.
Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước thì họ có giải pháp khuyến khích nhiều không gian xanh cho nước thoát, thấm theo cách có thể kiểm soát được. Giải pháp này rõ ràng đang dung hòa với tự nhiên, không làm thay đổi dòng chảy đột ngột, hạn chế tối đa sự tác động thô bạo vào nó. Không chỉ đơn thuần là những cây xanh bóng mát, các công trình cũng có thể sử dụng mái nhà để tạo diện tích trồng rau sạch khổng lồ.
Đây là một giải pháp mang đến nhiều lợi ích “kép”. Bởi, nhiều cây xanh giúp giảm bớt ô nhiễm môi trường, cải thiện vi khí hậu, tạo cảnh quan cho con người thư giãn, bớt căng thẳng, chất lượng nước và đặc biệt là giảm được chi phí xây dựng các công trình ngăn lũ và thoát nước.
PV: Theo ông, với những dự án chung cư cao tầng dày đặc hiện nay ở Hà Nội, việc áp dụng giải pháp “xanh hóa” có khả thi?
KTS Võ Trọng Nghĩa: Hoàn toàn có thể. Thí dụ, bản thân chung cư cao tầng có 1.000m2 sàn/tầng thì mái công trình phải đảm bảo có 1.000m2 diện tích cây xanh. Như vậy, bố cục tòa nhà nhìn trên góc độ thẳng vẫn là một khoảng không gian xanh. Ngoài ra, nếu các cơ quan chức năng có quy định thì một số tầng nhà đầu tư cần thiết kế lùi vào để tăng diện tích cây xanh trên mặt đứng.
Thực tế, quy định này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công với hàng loạt công trình xanh ở mọi khu vực. Với nền nhiệt độ nóng như Hà Nội (hơn 30 - 35 độ) thì các chung cư có mái xanh sẽ khiến lượng nhiệt giảm đi đáng kể (3 - 5 độ). Đáng lưu tâm, cây xanh còn che chắn ánh nắng trực tiếp xuống bê tông, bức xạ của các khối bê tông ở những tòa chung cư ra TP vì thế còn giảm đáng kể.
Khuyến khích “xanh hóa” mái nhà đô thị
PV: Đối với những khu vực nhạy cảm như khu phố cổ, thực hiện giải pháp này liệu có tác động đến vấn đề bảo tồn không, thưa ông?
KTS Võ Trọng Nghĩa: Ở khu phố cổ, trồng dạng cây dây leo vẫn có thể sử dụng được giải pháp này. Bởi, hầu như không động chạm nhiều đến kết cấu cũ, đặc biệt là một số hình thức mái cần bảo tồn. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng cái “không đẹp” của Hà Nội đa phần lại nằm ở những khu đô thị không phải bảo tồn. Các khu đô thị mới quanh vùng Mỹ Đình, Láng Hạ, Lê Trọng Tấn… mới chính là các khu vực cần lưu tâm nhất.
Đối với những khu vực này, có thể đưa ra quy định nhà đầu tư muốn xây dựng các công trình phải có trách nhiệm dành phần đất cho không gian xanh để thấm, hút nước tự nhiên. Kiến trúc là công cụ để con người kết nối nhiều hơn với thiên nhiên chứ không đơn thuần chỉ có công năng đẹp hay xấu về mặt thiết kế. Để Hà Nội xanh hơn, đẹp hơn thì cần trồng thêm nhiều cây xanh và cần có những quy hoạch rõ ràng, mạch lạc hơn. Vấn đề này không phải là khó mà quan trọng là có muốn làm hay không, giống như để bắt đầu một công trình kiến trúc xanh độc đáo thì phải thuyết phục chủ đầu tư, thợ và phải có đủ vốn để xây dựng.
PV: Để quy hoạch đô thị theo giải pháp trả lại đất cho nước bằng cây xanh, thảm cỏ liệu có cần sự tham gia của hệ thống các cấp chính quyền để hình thành văn bản pháp quy hay không?
KTS Võ Trọng Nghĩa: Đây là một yếu tố tuyệt đối quan trọng. Bộ mặt Hà Nội gần đây đã có những thay đổi đáng kể bởi nỗ lực kỳ diệu cho việc trồng cây xanh trên các tuyến phố. Phát huy tinh thần đó, bước tiếp theo nên đưa ra quy định một số khu vực khuyến khích nhà đầu tư “xanh hóa” mái nhà đô thị. Hoặc, có một số nơi thay vì làm 2 tầng thì cho làm 3 tầng nhưng phải đảm bảo toàn bộ không gian xanh.
Ở nước ngoài, đặc biệt là Canada, nhà đầu tư vẫn có những thương lượng đó với chính quyền. Nếu làm nhiều diện tích xanh thì được một số thuận lợi nhất định, tạo điều kiện tối đa. Từ trước đến nay, quan niệm một công trình kiến trúc đẹp chỉ cần đảm bảo đủ 3 yếu tố chính là tính thẩm mỹ, tính bền vững và tính sáng tạo. Nhưng theo tôi còn phải có thêm yếu tố có bao nhiêu cây xanh được trồng khi một công trình đưa vào sử dụng. Đây là vấn đề của chung tất cả mọi người, cần các cấp chính quyền xây dựng quy định về các mảng xanh đối với các khối bê tông sắt thép mọc lên ngày càng nhiều, nếu mong muốn có được một đô thị xanh trong tương lai.. Thậm chí, ưu tiên nhà và các công trình kiến trúc có diện tích xanh trong quá trình cấp phép xây dựng tại các dự án đô thị mới.
Vấn đề này, một số người cho rằng vi phạm đến dân chủ nhưng rõ ràng là không hề. Bởi nhiều nước vẫn áp dụng, vẫn khuyến khích DN làm và đạt hiệu quả. Về mặt quản lý Nhà nước, theo tôi là cần thiết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đừng bao giờ nghĩ các kiến trúc xanh phải ngốn cả đống tiền, mà nó phù hợp với tất cả mọi người vì chúng ta đang cần tìm lại sự cân bằng cho cuộc sống vốn đang bị hủy hoại.” - KTS Võ Trọng Nghĩa
Hà Nội hiện còn khoảng 26 điểm ngập úng như: Khu vực Mỹ Đình - Mễ Trì, Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, ngã ba Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Đội Cấn, Mạc Thị Bưởi, Hoàng Mai, Nguyên Chỉnh, Thanh Đàm, ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng, Định Công, Thái Thịnh, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Cự Lộc, Triều Khúc, Lê Trọng Tấn, Tô Hiệu, Văn Quán - Hà Đông... ) với mức độ từ 0,2m - 0,5m.
|