Nhiều ưu đãi thuế cho doanh nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, các dự án ĐMT trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí.
Quy định tại Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp có nêu: Trường hợp dự án ĐMT thuộc ngành nghề “sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch” nên thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư. Chính vì vậy, nhằm tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực này, đồng thời căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính có hướng dẫn rõ các ưu đãi về thuế Xuất nhập khẩu, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Thu nhập cá nhân và các chính sách phí, lệ phí.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đối với thuế xuất nhập khẩu, các dự án ĐMT thực hiện chính sách ưu đãi miễn thuế Nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định cho dự án. Bên cạnh đó, dự án ĐMT thực hiện chính sách miễn thuế Nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án.
Bên cạnh ưu đãi về thuế Xuất nhập khẩu, bà Hằng khẳng định, theo quy định của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, mặt hàng điện không thuộc đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, do vậy, các dự án ĐMT không phải chịu thuế này.
Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam
Hiện nay, ĐMT là một trong những nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng của Việt Nam, theo Viện Toàn cầu McKinsey, năng lượng tái tạo đã trở thành loại hình sản xuất điện mới với chi phí thấp nhất tại Việt Nam xét theo chi phí điện quy dẫn (levelized cost of electricity – LCOE). Tiếp ứng cho xu hướng này là nguồn tài nguyên dồi dào của Việt Nam sử dụng để sản xuất điện năng lượng mặt trời và phong điện, kết hợp với việc chi phí đầu tư ban đầu để sản xuất điện năng lượng mặt trời và phong điện đã giảm đáng kể trong 5 năm qua (giảm 75% chi phí đối với điện năng lượng mặt trời và giảm 30% chi phí đối với phong điện), khiến cho LCOE của các loại năng lượng tái tạo mới giảm xuống thấp hơn so với chi phí sản xuất nhiệt điện truyền thống.
Một ưu điểm khác của năng lượng tái tạo là chứa đựng ít rủi ro hơn. Năng lượng tái tạo cũng có thể được xây dựng với tốc nhanh hơn so với các nguồn phát điện truyền thống, và được đặt tại các vị trí linh hoạt hơn để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng ở cấp độ địa phương của Việt Nam.
Ngoài ra, công suất sản xuất thủy điện trên diện rộng của Việt Nam và khả năng sản xuất bổ sung khí đốt tự nhiên linh hoạt nhờ vào trữ lượng khí rộng lớn ở cấp độ địa phương cũng cho phép tích hợp năng lượng tái tạo với chi phí thấp so với nhiều thị trường khác trên thế giới.
Mặc dù xu hướng giảm chi phí này có thể sẽ chậm lại trong những năm tới đây khi công nghệ phong điện và ĐMT trở nên chín muồi hơn, nhưng quan điểm chung của thị trường đều đồng thuận rằng chi phí đầu tư ban đầu cho năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm.
Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ 4 đến 5 kwh/m2 đối với điện mặt trời và 3.000 km đường bờ biển với với sức gió ổn định trong khoảng 5,5 đến 7,3 m/giây, tạo ra lợi thế về điện mặt trời và phong điện gió thuận lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại cả nước mới chỉ có khoảng 200 megawatt công suất điện từ năng lượng mặt trời và gió, chủ yếu từ các dự án phong điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới đây đã đề xuất một số kiến nghị để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về bức xạ mặt trời. Đó là kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia vào đầu tư.