Những nữ thợ điện đặc biệt ở Malawi

Ở một đất nước chỉ có 10% dân số được sử dụng điện năng như Malawi, việc 8 người phụ nữ nông thôn trở thành “thợ điện mặt trời” là chuyện chưa từng có trong lịch sử.

Malawi là quốc gia Đông Phi có dân số khoảng 18 triệu người, GDP bình quân đầu người 338 USD (khoảng 7,8 triệu đồng, năm 2017). Trung bình 10 người Malawi mới có 1 người được tiếp cận điện năng. 90% dân số còn lại chủ yếu vẫn dùng đèn dầu để thắp sáng. Việc sử dụng đèn dầu cũng phải rất hạn chế vì nhiên liệu đắt đỏ, có thể chiếm tới 20% thu nhập bình quân mỗi tháng của người dân. Không những vậy, loại đèn này còn thải ra nhiều khí độc không tốt cho sức khỏe. Do đó, hoạt động của người dân chủ yếu diễn ra ban ngày, khi còn có ánh sáng tự nhiên.

Ở Malawi, hầu hết phụ nữ không được học hành nhiều. Họ chủ yếu ở nhà làm nội trợ, chăm sóc gia đình, làm nông nghiệp hoặc các công việc chân tay như làm bánh rán để bán, may vá… Những khái niệm như “điện mặt trời” hay “đi du học” đối với họ thực quá xa vời.

Thế nhưng, 8 người phụ nữ nông thôn của Malawi đã có cơ hội đổi đời nhờ một dự án có tên “Solar Mama” (Bà mẹ mặt trời). Đây là dự án do tổ chức phi chính phủ VSO thực hiện, nhằm giúp 8 người phụ nữ này được đi học về điện mặt trời ở Ấn Độ.

Năm trong số 8 phụ nữ Malawi đã được đào tạo để trở thành "thợ điện". Ảnh: vsointernational.org

Dự án đã chọn ra 8 phụ nữ đến từ 8 ngôi làng rất nghèo thuộc Cộng đồng dân cư Njewra và Kalolo của Malawi để tham gia khóa học kéo dài 6 tháng tại trường Cao đẳng Barefoot (Tilonia, bang Rajasthan, Ấn Độ). Tại đây, họ được dạy về cách chế tạo và nối dây các linh kiện điện mặt trời.

Trước khi họ đi học, không chỉ hàng xóm mà ngay cả chồng, con họ cũng rất nghi ngờ về việc liệu “có nên cơm cháo gì không”. Bởi chưa ai trong số 8 người phụ nữ ấy từng đi máy bay hay ra khỏi biên giới Malawi.

Trong quá trình học, một vài người muốn bỏ cuộc vì mọi thứ quá mới mẻ và khó khăn. Nhưng cuối cùng, họ đã vượt qua và trở thành những “bà mẹ mặt trời” đầu tiên của Malawi. Nhờ khóa học ở Ấn Độ, 8 người phụ nữ chân lấm tay bùn nay đã có thể lắp đặt, sửa chữa các thiết bị như hệ thống pin mặt trời cỡ nhỏ, đèn dùng năng lượng mặt trời…

Sau khi trở về nước, 8 “bà mẹ mặt trời” bắt tay vào công việc mới của họ - thợ điện nghiệp dư. Tổ chức VSO trang bị cho họ 200 bộ linh kiện gồm pin mặt trời và đèn chạy năng lượng mặt trời, đủ để lắp cho 200 hộ gia đình trong thôn làng. Nhóm 8 phụ nữ chịu trách nhiệm lắp đặt và sửa chữa các thiết bị khi có hỏng hóc.

"Bà mẹ mặt trời" Dines Msampha dự định xây nhà mới nhờ thu nhập tăng lên. Ảnh: vsointernational.org

Đổi lại, mỗi người nhận được một số tiền hàng tháng từ việc duy trì hệ thống đèn mặt trời cho dân làng. Ngoài ra, họ cũng kiếm thêm được một khoản nhỏ từ dịch vụ cho thuê sạc pin điện thoại.

Ở một đất nước thiếu thốn như Malawi, khoản thu nhập này là khá đáng kể. “Bà mẹ mặt trời” Dines Msampha, 42 tuổi, là mẹ đơn thân. Nhờ có khoản thu nhập từ công việc thợ điện, bà dự định sẽ xây một ngôi nhà mới trong tương lai.

Một người khác, bà Emily Kamwendo cho biết khoản thu nhập tăng thêm giúp bà có thể trang trải học phí cho con cái, đồng thời trả tiền thuê nhân công hỗ trợ việc đồng áng cho gia đình.

Điện mặt trời đã mang tới sự thay đổi ở những ngôi làng của Malawi. Nhờ có đèn điện, mọi người có thể làm tiếp những việc đang dang dở lúc ban ngày. Người lớn có thể làm thêm bánh để bán, may vá…, trẻ em có thể học bài buổi tối.

Biết được câu chuyện về 8 nữ thợ điện, nhiều phụ nữ khác cũng bày tỏ mong ước có thể trở thành “bà mẹ mặt trời” như thế. Điện mặt trời dường như đang góp phần làm bừng sáng đêm tối, hé mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Malawi nghèo khó.

VSO là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính tại London (Anh), hoạt động chủ yếu ở các quốc gia nghèo thuộc châu Phi và châu Á. Trong tương lai, VSO dự kiến sẽ triển khai tiếp Dự án Điện khí hóa nông thôn “Bà mẹ mặt trời” tại nhiều khu vực khác.


  • 22/02/2019 10:48
  • Hồng Minh
  • 1481