Biến nhà máy xử lý rác thành tổ hợp du lịch hút khách

Mới đây, Đan Mạch đã khánh thành Copenhill - một trong những tòa nhà cao nhất ở thủ đô Copenhagen. Theo thiết kế, Copenhill là một nhà máy điện đốt rác, có thể xử lý tới 560.000 tấn rác mỗi năm, cung cấp điện năng gia dụng cho hơn 50.000 căn hộ và năng lượng sưởi ấm cho 120.000 hộ.

Tòa nhà trị giá 660 triệu USD này đồng thời là công trình có sân trượt cỏ trên tầng thượng đầu tiên của thành phố, một nhà hàng đầy đủ tiện ích và một quán bar vô cùng độc đáo.

Ngoài ra, Copenhill cũng sẽ tái chế được khoảng 100 triệu lít nước mỗi năm trong quá trình xử lý. Khoảng 90% kim loại từ rác thải cũng sẽ được thu hồi và tái sử dụng. Tuyệt vời hơn, những rác thải sau xử lý sẽ cho ra khoảng 100.000 tấn nguyên liệu có thể sử dụng cho xây cầu đường.

Phía chủ đầu tư là công ty Babcock& Wilcox cho biết hãng kỳ vọng sẽ hoàn tất thêm 2 nhà máy tương tự trong 2 quý đầu năm 2019.

Copenhill là công trình thứ 2 trong số 4 nhà máy Wilcox định thực hiện, nhưng là nhà máy đầu tiên có sân trượt cỏ trên nóc. Wilcox vốn là công ty chuyên chuyển giao cũng như xây dựng các công trình xử lý rác thải, nhà máy điện đốt rác trên thế giới nhưng Copenhill được đánh giá là một trong những công trình tiêu biểu của công ty khi tập hợp được mọi ý tưởng về bảo vệ môi trường của hãng.

Nhà máy Copenhill có hiệu suất điện năng cao hơn 28% so với các nhà máy nhiệt điện thông thường, giảm lượng SO2 thải ra môi trường đến 99,5% và giảm khí NOx tới 90% so với các nhà máy khác.

Bên trong nhà máy nhiệt điện Copenhill.

Vì một thủ đô xanh

Với mục tiêu trở thành thủ đô đầu tiên trên thế giới không thải carbon dioxide vào năm 2025, không khó hiểu khi Copenhagen thúc đẩy những dự án như Copenhill.

Thị trưởng Frank Jensen cho biết tỷ lệ khí CO2 của thành phố đã giảm 33% kể từ năm 2005 và dự án Copenhill sẽ đốt 35 tấn rác thải mỗi giờ cũng như giảm lượng khí nhà kính cho thành phố đến 99,5%.

Không riêng gì Copenhill, thủ đô Đan Mạch đang sửa chữa lại Nhà máy Nhiệt điện Amagervarker, chuyên cung cấp điện năng sưởi ấm cho 98% cư dân thành phố, để thân thiện với môi trường hơn. Không dừng lại ở đó, khoảng 41% cư dân thành phố này đã lựa chọn đi xe đạp thay vì các phương tiện sử dụng xăng, cao hơn mức 36% của năm 2015.

Rất có thể trong thời gian tới, Copenhagen sẽ ban hành lệnh cấm sử dụng xe chạy bằng dầu diesel.

Điều thú vị hơn là động thái phát triển công nghệ xanh cùng hàng loạt lò nhiệt điện đốt rác đã khiến Copenhagen thậm chí không đủ rác cho 28 nhà máy tại đây. Đan Mạch hiện đang phải nhập khẩu rác từ các nước láng giềng nhưng những quy định chặt chẽ của Châu Âu lại đang khiến họ gặp khó khăn để nhập nguyên liệu cho các nhà máy đốt rác phát điện.

Phát triển song song với du lịch

Việc đầu tư phát triển môi trường xanh khá tốn kém và Copenhagen quyết định thúc đẩy song song cùng ngành du lịch nhằm tạo nguồn thu quay lại tái đầu tư cho các dự án xanh.

Hàng năm, ngành du lịch Đan Mạch thu về 6,5 tỷ USD nhờ một môi trường sạch và đây là lý do Copenhagen xây những dự án như Copenhill, một nhà máy điện đốt rác kèm tổ hợp giải trí du lịch. Với vị thế là thủ đô của Đan Mạch, Copenhagen có rất nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch song song với đầu tư cho môi trường.

Trước đó tại Vienna, thủ đô của Áo, chính quyền thành phố cũng đã cho xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt rác Spittelau vào năm 1992 và chúng đã thu hút được hơn 100.000 du khách mỗi năm.

Với nhiều lợi thế hơn, Copenhagne kỳ vọng họ sẽ thu hút được lượng lớn du khách để có tiền tái đầu tư cho môi trường, qua đó nâng cao chất lượng du lịch, tạo thành một vòng tuần hoàn hiệu quả. Copenhill có giá khoảng 20 USD cho mỗi giờ tham quan và du khách có thể trượt cỏ, leo tường hay tận hưởng không khí với quán bar cùng nhà hàng.

Điểm thu hút của Copenhill không chỉ là những tiện ích của dự án mà còn là tổ hợp dịch vụ, bao gồm các nhà hàng và địa điểm vui chơi xung quanh đó.

Theo những nhà điều hành, họ kỳ vọng Copenhill sẽ thu hút được khoảng 300.000 du khách mỗi năm. Riêng khu trượt cỏ nổi tiếng có thể sẽ hút khoảng 65.000 người mỗi năm.


  • 20/02/2019 10:13
  • Nguồn: Nhịp sống kinh tế
  • 2023