Khi nông dân xài điện mặt trời

Gần 10 năm nay, người dân ấp 5A, ấp 6B (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) và ấp 2 (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) tỉnh Đồng Tháp đã sử dụng điện mặt trời để xem tivi, bật quạt máy, mở đèn cho tụi nhỏ học bài...

Từ xài bình sạc

Đường vào ấp 6B, xã Trường Xuân là con đường ven kênh, hai bên ruộng đồng tiếp nối, nơi đây có hơn 30 hộ dân đang sống, khoảng cách mỗi nhà cách nhau từ vài trăm mét đến 1km. Trước đây, để có ánh sáng, người dân phải dùng đèn dầu, những nhà có điều kiện thì mua bình sạc về xài.

Ông Nguyễn Minh Thảo kể: “Khi tôi vào đây ở, đường chưa được thông thương, chỉ là con đường đê nhỏ, về sau thì có con đường đất tạm, muốn đi ra chợ, bà con phải bơi xuồng. Các nhà trong xóm chủ yếu xài đèn dầu, hoặc mua bình sạc về xem ti vi, mở đèn cho sáng một chút, rồi ngủ.

Vài tháng, sạc tới sạc lui, bình lại hư phải mua bình khác. Muốn xem tin tức, thời sự cũng không được liên tục, tụi nhỏ học hành hạn chế... Đất ruộng gần đây nên chúng tôi bám trụ, mong muốn một ngày nào đó xem tivi, bật đèn, mở radio cải lương nghe cho đã...”.

Một nhà dân tại ấp 6B, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời - Ảnh: Báo Đồng Tháp.

Những người dân cất nhà rải rác trên tuyến kênh Đường Gạo, ấp 2, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh cũng sử dụng đèn dầu và bình sạc để thắp sáng. Chú Ba Điền - một người dân sống nhiều năm ở đây cho biết: “Đèn dầu, bình sạc là 2 thứ gắn với người dân sống trong ruộng đồng như tụi tui. Trên tuyến có khoảng 20 hộ dân, trước đây đa số xài bình, mỗi lần đi sạc phải ra chợ Gáo Giồng, tốn kém xài tiết kiệm từng chút...”. Các hộ dân sống rải rác, cách xa nhau, đường đi lại khó khăn, nên chưa được đầu tư lưới điện quốc gia phục vụ cho sinh hoạt.

Nghe nói nguồn năng lượng mặt trời có thể biến thành điện sử dụng, vậy là chú Minh Thảo, chú Ba Điền cùng một vài người khác đi tìm, thuê lắp đặt. Thời gian đầu, những tấm pin năng lượng mặt trời có giá cao, nhiều hộ cân nhắc, cuối cùng thấy cũng tiện lợi, vậy là cùng nhau bỏ bình sạc chuyển sang xài điện mặt trời.

Đến nguồn năng lượng xanh - sạch

Mới đó mà gần 10 năm, người dân ấp 5A, ấp 6B (xã Trường Xuân), ấp 2 (xã Gáo Giồng) đã sử dụng điện mặt trời. Người có tiền nhiều thì lắp nhiều tấm pin, người ít tiền thì dành dụm để lắp 1 - 2 tấm pin. Xóm ruộng đồng heo hút giờ không còn cảnh leo lét đèn dầu, chập chờn đèn sạc.

Bà Lê Thị Su ở ấp 6B, xã Trường Xuân cho biết: “Dân ở đây khi lắp điện mặt trời được xem ti vi, lên mạng internet, nghe tin tức, thời sự, dự báo thời tiết, sâu bệnh, mùa màng, tụi nhỏ có đèn sáng học bài, ở ngoài chợ và ở trong đồng cũng đỡ xa cách...”.

Ông Nguyễn Văn Thuận ngụ ấp 6B, xã Trường Xuân kể: “Gia đình nghèo nên tôi chỉ lắp 1 tấm pin, chi phí khoảng 3,5 triệu đồng. Tôi đã xài được 4 năm, nguồn điện tương đối ổn định, xem tivi, sạc điện thoại, máy quạt khá thoải mái...”.

Một trong những cá nhân kết nối đưa điện mặt trời đến với người dân vùng khó khăn là ông Huỳnh Thiện Liêm ngụ ấp 5A, xã Trường Xuân. Ông Liêm học chuyên ngành Cao đẳng Điện tử - Viễn thông và vốn có đam mê lớn đối với điện mặt trời.

Ông Thiện Liêm chia sẻ: “Nguồn cung cấp năng lượng mặt trời rất hữu ích, có thể đặt ở bất cứ đâu phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nguồn năng lượng này làm giảm các tác động xấu lên môi trường. Đối với người dân ở những vùng chưa có điện thì điện mặt trời là một giải pháp giúp họ có nguồn điện sử dụng ổn định, tiết kiệm trong sinh hoạt...”.

Hơn 10 năm gắn bó với điện mặt trời, ông Thiện Liêm đã được thuê lắp đặt, vận hành điện mặt trời cho hàng trăm hộ dân tại huyện Tam Nông, Cao Lãnh (Đồng Tháp) và một số hộ dân ở huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng (Long An), tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang...

Để nguồn điện mặt trời đến với người dân, đặc biệt là người dân vùng khó khăn, những nơi chưa có đường giao thông thuận lợi, ông Liêm phải chở các nguyên vật liệu lắp đặt bằng xuồng, thuê người đi bộ khuân vác.

Ngoài lắp đặt tại nhà dân, cơ sở, một số khu du lịch còn liên hệ với ông để dùng năng lượng mặt trời chạy thuyền du lịch nhằm tránh tiếng ồn, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí.

Một tấm pin hay nhiều tấm pin, vài triệu hay hàng chục triệu đồng tích góp để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, với người dân nơi đồng sâu heo hút, nguồn điện mặt trời hơn 10 năm qua đã phần nào giúp họ cải thiện cuộc sống ở nơi vốn còn nhiều khó khăn.

Tận dụng tiềm năng từ nguồn điện mặt trời, UBND tỉnh đã phê duyệt một số dự án nhà máy điện mặt trời, Sở Công Thương, Công ty Điện lực Đồng Tháp cũng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở, đồng thời triển khai đến một số hộ làm du lịch cộng đồng, hỗ trợ cho các cá nhân, đơn vị chủ động về nguồn điện, tiết kiệm chi phí, sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch, an toàn.


  • 18/02/2019 04:08
  • Theo: Báo Đồng Tháp
  • 2216