Ý kiến trên được nhiều chuyên gia đưa ra trong hội thảo "Những giải pháp xây dựng bền vững hướng đến một thành phố thông minh" được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng 24/11, tại TPHCM.
Chứng nhận xanh ở đây chỉ cho những công trình được thiết kế, xây dựng, vận hành thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng điện, nước và những tài nguyên khác; giảm rác thải và ô nhiễm môi trường; bảo vệ sức khỏe người sử dụng và cải thiện năng suất lao động của nhân viên làm việc tại tòa nhà.
Theo ông Yannich Millet, chuyên gia tư vấn về xây dựng bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả, hiện có nhiều chứng nhận xanh khác nhau mà doanh nghiệp có thể lựa chọn để đăng ký áp dụng cho công trình của mình như Lotus, Leed, Green Mark, HQE hay EDGE... Mỗi chứng nhận có một số yêu cầu riêng nhưng đều dựa trên những nguyên tắc chung sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và thân thiên môi trường...
Tại Việt Nam, hệ thống chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) xây dựng là một chứng nhận có thể tiếp cận dễ dàng mà các doanh nghiệp nên tìm hiểu, ông Yannich Millet gợi ý.
Việt Nam hiện có 42 công trình được cấp chứng nhận xanh - Ảnh: Nguồn Internet.
|
Lợi ích của những công trình xanh đem lại là điều có thật, chứ không chỉ nằm trên những tính toán lý thuyết. Tại hội thảo, ông Huỳnh Trung Hiếu, Công ty TNHH Indochine Engineering Việt Nam, chuyên tư vấn xây dựng, chia sẻ về những dự án đã triển khai thành công tại Việt Nam như nhà máy Việt Nam Mộc Bài ở Tây Ninh, tòa nhà President Place ở quận 1 - TPHCM, hay trung tâm thương mại Big C - Green Square ở Dĩ An - Bình Dương.
Lấy ví dụ Big C, ông Hiếu cho biết dự án này đạt nhãn vàng chứng nhận LEED (LEED Gold) và nhãn bạc chứng nhận Lostus (Lotus Silver). Để đạt chứng nhận này, công trình bắt buộc phải thỏa các yêu cầu trong thiết kế và xây dựng, ví dụ như gắn hệ thống các tấm pin mặt trời trên tầng mái, xây dựng các thiết bị trữ lạnh để tiết kiệm điện... Những công việc này làm chi phí xây dựng tăng lên so với phương pháp truyền thống. Nhưng nhờ có các thiết bị này, khi vận hành, tòa nhà sẽ tiết kiệm được 21% về năng lượng, 42% lượng nước và thời gian hoàn vốn cho khoản chi phí đầu tư là 7 năm rưỡi.
Mặc dù xây dựng theo hướng xanh và bền vững đem lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư cũng như người dùng nhưng tại sao số tòa nhà được cấp chứng nhận xanh vẫn còn khá khiêm tốn và đa phần đều các tòa nhà này đều có chủ đầu tư là các doanh nghiệp ngoại?
Về vấn đề này, theo ông Hiếu, hiện chưa có nhiều nhà đầu tư Việt Nam biết về những chứng nhận xanh trong xây dựng, hoặc nếu có biết thì cũng không sử dụng vì sợ đội chi phí đầu tư trong khi nghi ngờ về hiệu quả mang lại. Ngược lại với Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã quen với những khái niệm này và từng sử dụng qua ở những quốc gia khác. Họ thấy được bài toán chi phí - lợi ích nên không quá khó để quyết định thực hiện, ông Hiếu lý giải.
Từ nguyên nhân phân tích, ông Hiếu cho rằng để có thêm nhiều công trình xanh hơn nữa, trước tiên rất cần các chủ đầu tư nhận thức về vấn đề này và kế đến, các công ty tư vấn cố gắng trong việc tiếp cận, thuyết phục các chủ đầu tư qua những phân tích lợi ích rõ ràng và chứng minh qua những dự án cụ thể.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Công Minh Bảo, đại diện Ủy ban Tăng trưởng Xanh EuroCham bổ sung, Nhà nước nên có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến việc đạt những chứng chỉ xanh chẳng hạn như rút ngắn thời gian phê duyệt, cấp chứng nhận đầu tư, hoặc giấy phép xây dựng.