Đề xuất mức tiêu hao năng lượng trong ngành chế biến thủy sản

Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định mức tiêu hao năng lượng trong ngành chế biến thủy sản giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030 đối với các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm.

Các doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản sẽ có định mức tiêu hao năng lượng - Ảnh: Ng.Tuấn.

Theo đó, định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho sản phẩm cá da trơn là 1.130 kWh/tấn sản phẩm cá tương đương và 2.115 kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương giai đoạn đến hết năm 2025.

Định mức tiêu hao năng lượng cho sản phẩm cá da trơn là 909 kWh/tấn cá tương đương và sản phẩm tôm là 1.709 kWh/tấn tôm tương đương giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030.

Cơ sở chế biến thủy sản phải đảm bảo suất tiêu hao năng lượng không vượt quá định mức tiêu hao năng lượng được quy định nêu trên.

Trường hợp suất tiêu hao năng lượng của cơ sở chế biến thủy sản đang hoạt động cao hơn định mức tiêu hao năng lượng tương ứng đối với từng giai đoạn được quy định thì cơ sở chế biến thủy sản có trách nhiệm lập và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng quy định.

Dự thảo nêu rõ nhóm giải pháp hoàn thiện qui trình điều hành sản xuất quản lý tiêu thụ điện theo hướng tiết kiệm năng lượng như sau: Sử dụng một cách hợp lý các thiết bị cấp đông; quản lý chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng đá; quản lý việc sử dụng kho lạnh, đóng cửa kho khi không có người hay xe đi qua; duy trì nhiệt độ kho lạnh ở mức cần thiết; quản lý chặt chẽ việc sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ.

Nhóm giải pháp hoàn thiện qui trình vận hành thiết bị lạnh theo hướng tiết kiệm năng lượng là: Không để các máy nén chạy non tải; duy trì áp suất hút ở mức cần thiết; xả tuyết kho lạnh khi cần.

Nhóm giải pháp sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lạnh: Xác định công suất lạnh máy nén trục vít đã chạy lâu năm; sửa chữa các thiết bị bị hỏng hoặc bị xuống cấp; xử lý chống bám cáu cặn trên dàn ngưng...


  • 20/09/2018 10:51
  • Ngọc Tuấn
  • 1687