Doanh nghiệp Đan Mạch quan tâm đến điện gió của Việt Nam

Đó là nhận định của ông Bo Monsted, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tại Hội thảo về năng lượng gió Việt Nam với chủ đề “Đầu tư và lợi nhuận từ gió” do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức ở TP HCM, ngày 5/12/2017.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng về điện gió - Ảnh: M.Nhiệm.

Ông Bo Monsted đánh giá, với tiềm năng lớn về điện gió chưa được khai thác, các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng của Đan Mạch nói riêng và nhà đầu tư quốc tế nói chung rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Đầu tư về lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng phù hợp với chính sách của Việt Nam về phát triển nguồn năng lượng thay thế nguồn năng lượng truyền thống, đảm bảo an ninh năng lượng song song với bảo vệ môi trường. Với kinh nghiệm và truyền thống trong lĩnh vực này, Đan Mạch mong muốn chia sẻ các công nghệ mới về điện gió cho Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Trọng Thực, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nguồn lực hiện tại của đất nước nếu muốn phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng thì còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Chính phủ rất khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế có tiềm lực mạnh đầu tư vào lĩnh vực này, qua đó chuyển giao công nghệ cho nhà sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ có nhiều chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới đối với đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo. Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp quốc tế thấy rõ hơn những ưu đãi, tiềm năng khi đầu tư về điện gió tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng về điện gió của Việt Nam là rất lớn, tập trung ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác một cách đúng mức, khi mà hiện chỉ có 4 dự án chính thức vận hành thương mại với tổng công suất lắp đặt mới chỉ đạt được hơn 159 MW.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Vestas Việt Nam, giá mua điện gió của Việt Nam vẫn còn thấp, nhưng điều này không phải sự quan ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư. Một dự án điện gió thành công cần nhiều yếu tố và với tiềm năng về trữ lượng gió cao như ở Việt Nam thì việc đầu tư vào các dự án điện gió tại đây vẫn rất hấp dẫn.

Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này trên thế giới là rất cao khiến doanh nghiệp nếu tiến hành đầu tư đều mang đến các công nghệ mới và hiện đại như tuabin 4MW, cách quạt dài hơn... đảm bảo hiệu quả của dự án.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định, tiềm năng về điện gió tại Việt Nam thu hút rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp quốc tế.


  • 06/12/2017 05:27
  • Mai Nhiệm
  • 2048