Chủ trang trại Ngọc Hân, ông Ung Ngọc Hải là người còn trẻ nhưng thâm trầm và giàu kinh nghiệm làm ăn. Ông cho biết, toàn trang trại có tổng cộng gần 14 nghìn trụ thanh long. Hiện là mùa trái vụ nên phải sử dụng ánh sáng điện để kích thích thanh long ra hoa, kết trái.
Tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền điện
Vài ba năm trở lại đây, nhiều người trồng thanh long ở Bình Thuận đã mạnh dạn chuyển sang sử dụng bóng đèn compact thay cho bóng đèn sợi đốt để kích thích thanh long ra hoa trái vụ. Là một trong những người tiên phong, ông chủ họ Ung cũng đã chuyển sang sử dụng bóng đèn compact loại 20W thay cho bóng đèn sợi đốt 60W từ hai năm nay. Việc chuyển đổi này đã tạo nên sự đột phá trong tiết kiệm điện.
“Lượng điện tiêu thụ của bóng đèn compact giảm 2/3, lượng hoa và trái ra tuy có giảm nhưng lại vừa đủ. Cho nên, sử dụng đèn compact không chỉ tiết kiệm tiền điện mà còn tiết kiệm cả chí phí nhân công vì không phải cắt bỏ bớt số lượng hoa, trái dư thừa như khi còn sử dụng bóng đèn sợi đốt” - ông chủ trang trại đúc kết sau hai năm sử dụng đèn compact.
Ông Hải tính toán, mỗi chu kỳ chong đèn kích thích cây thanh long ra hoa kéo dài từ 18-20 ngày. Khi dùng bóng đèn compact, chi phí tiền điện bình quân chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Với diện tích hiện có, mỗi chu kỳ chong đèn ông Hải tiết kiệm được 154 triệu đồng so với dùng đèn sợi đốt. Vì vậy, dù vốn đầu tư ban đầu sử dụng bóng đèn compact cao gấp 9-10 lần so với bóng đèn sợi đốt, song chỉ cần sau 3 chu kỳ thắp thì có thể lấy lại vốn. Đó là chưa kể, tỷ lệ bóng hư hỏng khi gặp sự cố như mưa, gió trong thời gian chong đèn của bóng đèn compact thấp hơn nhiều so với bóng đèn sợi đốt 60W.
|
Ông Ung Ngọc Hải - Chủ trang trại Ngọc Hân với bước đột phá tiết kiệm điện khi thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact kích thích thanh long ra hoa trái vụ. |
Bên cạnh đó, theo ông chủ trang trại, nếu sử dụng bóng đèn sợi đốt sẽ không thể tăng diện tích trồng thanh long, bởi lượng điện cung cấp cho việc trồng thanh long tại Bình Thuận đã tăng vọt trong những năm gần đây. Mặt khác, hệ thống lưới điện nội bộ của trang trại cũng không đủ đáp ứng nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng lên cao hơn mức hiện tại.
Kết quả khảo sát công bố tháng 4/2013 của Trung tâm nghiên cứu và phát triển thanh long Bình Thuận tại 187 hộ dân trồng thanh long có sử dụng 100% bóng đèn compact đều cho kết quả đạt ngưỡng tối ưu. Cụ thể, trong cùng một điều kiện về chế độ canh tác, chăm sóc, tuổi cây, thời điểm chong đèn, số giờ thắp đèn/đêm… kết quả thanh long ra hoa trái vụ giữa bóng đèn compact 20W và bóng đèn sợi đốt 60W đều cho kết quả tương tự nhau.
Bài toán cân não
Nhờ tiết kiệm chi phí điện, lợi nhuận ròng của trang trại Ngọc Hân tăng lên đáng kể, đạt từ 50-60% tổng doanh thu, giải quyết công ăn việc làm, đời sống ổn định cho 22 lao động thường xuyên.
Mặc dù hiệu quả đem lại từ việc sử dụng đèn compact thay cho đèn sợi đốt là không nhỏ, song theo ông Hải, chuyện “thay đổi công nghệ” này không hề đơn giản.
“Điều lo lắng nhất của những người làm vườn chúng tôi là tại thời điểm rục rịch chuyển đổi, không có bất cứ nghiên cứu, đánh giá nào khẳng định đèn compact sẽ kích thích cây thanh long ra hoa hơn hoặc bằng so với việc dùng đèn sợi đốt. Do thấy cái lợi về mặt tiết kiệm tiền điện khi dùng đèn compact nên nhiều người liều làm thử chứ không phải dựa trên cơ sở khoa học nào cả. Không ít người thất bại, ngay cả những người thành công thì cũng “hú họa” nên vừa làm… vừa run” - anh Hải chia sẻ.
Nghe ông chủ trang trại Ngọc Hân nói, chợt nhớ đến tâm sự của ông Nguyễn Tấn Lân - Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận, rằng cho đến nay, rất nhiều người trồng thanh long tại địa phương này vẫn chưa vượt qua được nỗi sợ thất bại nên không dám chuyển đổi sang bóng đèn compact, và đó cũng chính là một trong những lý do khiến tỷ trọng điện sử dụng trong sản xuất thanh long tại tỉnh này hiện rất cao, riêng trong năm 2012, chiếm 27,16% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.
|
Kho đèn compact dự trữ của trang trại thanh long Ngọc Hân. |
Trang trại Ngọc Hân thường xuyên sử dụng đến 8.500 bóng đèn compact. Ngoài bóng đèn đang sử dụng, trang trại luôn luôn có một lượng bóng đèn nhất định dự trữ để thay khi cần. Với chi phí gấp khoảng chục lần bóng đèn sợi đốt, kinh phí đầu tư trang bị mới hệ thống bóng đèn compact cũng là con số không nhỏ, khiến ông chủ trang trại không khỏi đắn đo suy nghĩ.
Chính vì những lý do trên, theo ông Hải, những người có trang trại quy mô càng lớn lại càng phải hết sức cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và phải có cả chút “máu liều” mới dám đi đến quyết định chuyển đổi đèn.
Ông Hải tiết lộ, nhiều năm trước khi chính thức áp dụng đại trà, ông đã tiến hành thử nghiệm chong đèn thanh long bằng bóng đèn compact với vài chục trụ thanh long. Nhiều nông dân đến thăm dò nhưng đều bàn ra, vì cho rằng khó hiệu quả.
“Thời gian đầu tôi rất băn khoăn, nhưng vẫn âm thầm đeo bám. Sau vài lần thử nghiệm, nhận thấy điện năng tiêu thụ rất ít, chi phí hao hụt chỉ khoảng gần 10% trong suốt vụ, lúc đó tôi quyết định thay dần những bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact, mặc cho nhiều người nghi ngại” - ông chủ trang trại nói.
Dù vậy, để an toàn, ông lựa chọn cách đi từng bước bằng việc chia trang trại ra nhiều ô và lúc đầu áp dụng chong đèn compact ở một vài ô. Khi thấy thật sự hiệu quả mới mở rộng trên toàn trang trại. Việc chia ô còn giúp tránh quá tải lưới điện cũng như nhân công lao động lẫn thị trường đầu ra.
Trang trại Ngọc Hân luôn như một bức tranh nhiều màu sắc, ô thanh long này đang chúm chím nụ, ô bên cạnh hoa rộ nở trắng muốt, ô khác trái đã trĩu cành đỏ mọng.
Ông Nguyễn Tấn Lân - Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận tính toán: Nếu sử dụng đèn compact cho toàn bộ diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (khoảng 19.000 ha), mỗi năm sẽ tiết kiệm 303.240 kWh. Với giá điện 1.339 đồng kWh, số tiền tiết kiệm được khoảng 406 tỷ đồng/năm.
Không những thế, ông Lân cho biết, nó còn giúp giảm công suất đỉnh 297 MVA, giảm đầu tư 297 MVA, chi phí đầu tư giảm 679 tỷ.
|