Không khó tiết kiệm điện cho thiết bị nhà bếp

Với lò nướng, lò vi sóng, nồi cơm điện, tủ lạnh…, lượng điện năng tiêu thụ ở khu vực nhà bếp chiếm một khoản kha khá trong hóa đơn tiền điện hàng tháng của gia đình bạn. Dưới đây là một số mẹo nhỏ, dễ làm, giúp các bà nội trợ tiết kiệm điện cho các tiết bị nhà bếp.

Nồi cơm điện:

- Nấu cơm trước khi ăn 30-45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng.

- Trước khi nấu cho gạo ngâm một lúc, như vậy cơm vừa ngon, vừa có thể tiết kiệm được điện.

- Chọn mua loại nồi cơm điện phù hợp với nhu cầu của gia đình. Những loại có công suất và dung tích bé thường tiết kiệm hơn.

- Thường xuyên lau chùi đáy nồi, mâm nhiệt.

Lò vi sóng:

- Không bật lò vi sóng trong phòng có điều hòa nhiệt độ.

- Nên dùng đồ đựng thực phẩm an toàn trong lò vi sóng như dụng cụ bằng thủy tinh, đồ sứ, đồ gốm. Tránh dùng đồ kim loại vì chúng hút nhiệt, làm thực phẩm lâu chín, gây hao điện và có thể dẫn đến cháy nổ lò.

- Thỉnh thoảng phải khuấy thực phẩm hoặc đổi chiều để phân tán nhiệt và làm thực phẩm chín đều, nhanh, giúp giảm điện năng tiêu thụ.

- Luôn đóng kín cửa lò khi hoạt động tránh thất thoát vi sóng ra ngoài, làm giảm hiệu quả của lò và hao điện.

Lò nướng:

- Hạn chế mở nắp trong khi nướng để không làm thất thoát sức nóng, tiết kiệm điện.

- Thường xuyên kiểm tra lớp giăng cửa của cửa lò để cửa lò cách nhiệt tốt.

- Khi không sử dụng, nên rút hẳn phích cắm ra khỏi ổ điện.

Tủ lạnh:

- Đặt tủ ở những nơi tránh xa nguồn nhiệt.

- Khi thực phẩm trữ lạnh trong tủ không nhiều, nên điều chỉnh cấp độ làm lạnh ở mức trung bình hoặc thấp sẽ tiết kiệm điện hơn: Với buồng giữ lạnh, nhiệt độ ở mức 7-8 độ C là đạt, không cần thiết điều chỉnh độ lạnh tối đa; Với ngăn đông lạnh, nhiệt độ ở mức -18 độ C là vừa đủ.

- Khi sắp xếp đồ vào tủ lạnh, cần lưu ý chừa các khoảng cách để khí lạnh đối lưu, lượng điện hao tổn giảm xuống. Không nên để thực phẩm bít kín “họng” thổi hơi lạnh ra hoặc chất quá nhiều, ken kín các ngăn trong tủ.

- Các loại thịt, cá tươi sống… nên cho vào các hộp bằng thép hoặc inox thay thế cho hộp nhựa, bởi tính dẫn lạnh của kim loại nhanh hơn, thời gian làm lạnh rút ngắn, ít hao điện.

- Hạn chế mở cửa tủ lạnh liên tục vì khi mở cửa không khí lạnh bên trong tủ sẽ đối lưu rất nhanh với không khí nóng bên ngoài tủ, làm cho nhiệt độ trong tủ cao lên. Khi đó, bộ phận làm lạnh phải tăng thời gian hoạt động gây hao điện.

- Không cho những đồ còn nóng vào tủ lạnh. Nếu cho vào khi còn nóng sẽ làm nhiệt độ trong tủ tăng lên quá nhanh, làm điện hao nhiều hơn.

- Cần vệ sinh tủ lạnh thường xuyên. Lau chùi phần rìa cao su ở cửa tủ lạnh cẩn thận sẽ giúp phần cao su giữ được độ bền, đóng khít khao, không thất thoát hơi lạnh nhiều làm hao điện.

Máy rửa chén bát:

- Đặt chế độ tiết kiệm năng lượng bất cứ khi nào có thể.

- Nếu máy rửa chén bát có một lò sưởi tăng cường, hãy tắt bình đun nước nóng.

- Hạn chế sử dụng chế độ sấy khô của máy, thay vào đó khi máy rửa xong, hãy mở nắp và để không khí làm khô chén bát.

- Chỉ rửa chén khi đủ tải. Máy rửa chén sử dụng cùng một lượng nước, cho dù bạn rửa nhiều hay ít. Do đó, sử dụng máy khi đủ tải sẽ tiết kiệm được tối đa lượng nước và năng lượng.


  • 11/01/2014 09:35
  • Hồng Hoa (tổng hợp)
  • 2907