Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, các đơn vị liên quan đề xuất, xác định diện tích, phạm vi các khu vực tòa nhà phát triển các dự án điện mặt trời. Sở Xây dựng chủ trì thẩm định theo thẩm quyền dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình có lắp đặt điện mặt trời trên mái; Áp dụng các nghiên cứu về năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng, đặc biệt tại các khu vực khó khăn trong tiếp cận điện lưới.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đây là nội dung thành phố mới chỉ đạo, vì vậy, dự kiến từ giữa tháng 9 sẽ bắt đầu nghiên cứu các địa điểm có thể phát triển các dự án điện mặt trời, trong đó có mục tiêu sử dụng cho chiếu sáng công cộng.
Trước mắt, Thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương nghiên cứu, đánh giá tiềm năng năng lượng mặt trời trên địa bàn, làm cơ sở đề xuất lập quy hoạch phát triển điện mặt trời Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (nếu có tiềm năng).
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng được giao chủ trì quản lý nhà nước về hoạt động liên quan đến điện mặt trời trên địa bàn thành phố, theo dõi, giám sát, kiểm tra thực hiện các dự án điện mặt trời trên địa bàn.
Theo nghiên cứu của Sở Công Thương Hà Nội, năng lượng mặt trời khu vực Hà Nội chỉ ở mức trung bình thấp. Các đại lượng về mật độ năng lượng mặt trời trung bình ngày và số giờ nắng trung bình năm có các giá trị tương ứng là 3,95 kWh/m2/ngày và 1.631 giờ/năm.
Nếu tính năng lượng mặt trời trung bình trên 1m2 khu vực Hà Nội trong một năm đạt gần 1.442 kWh. Nếu sản xuất điện bằng pin mặt trời hiệu suất 13% thì thu được 187,5 kWh/m2/năm điện năng. Nếu sản xuất nhiệt bằng bộ thu NLMT hiệu suất 45% thì thu được gần 1,8 kWh/m2/ngày hay 649 kWh/m2/năm.
Bên cạnh đó, sự phân bố năng lượng mặt trời trong các tháng trong năm không đều. Có hai mùa rõ rệt: mùa Đông - Xuân trong các tháng 12, 1, 2 và 3; mùa Hè - Thu trong các tháng từ tháng 4 đến tháng 11. Các tháng 12, 1, 2, 3 lượng bức xạ quá thấp, đặc biệt là tháng 1 đến tháng 3. Trong các tháng này do mây mù nhiều nên lượng trực xạ rất thấp (tháng 1: 0,73; tháng 2: 0,47; tháng 3: 0,44 kWh/m2/ngày).
Theo Sở Công Thương Hà Nội, với các thiết bị thu năng lượng mặt trời hội tụ thì trong các tháng đầu năm không thể làm việc bình thường được. Từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm ở Hà Nội có bức xạ mặt trời khá lớn, lân cận 5 kWh/m2/ngày và số giờ nắng trung bình khoảng 180 giờ/tháng. Trong các tháng này các thiết bị năng lượng mặt trời sẽ làm việc hiệu quả.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mức cường độ bức xạ trung bình của Hà Nội là 3,95 kWh/m2/ngày sẽ được sử dụng tính toán tiềm năng phát điện của các hệ thống pin năng lượng mặt trời độc lập cũng như nối lưới.
Tuy nhiên, Hà Nội với quỹ đất tương đối hạn hẹp thì việc phát triển các dự án điện mặt trời quy mô vừa và lớn trong giai đoạn 2016 - 2025 chưa khả thi.