Mô hình kinh doanh ESCO: Hiểu thế nào cho đúng?

Dịch vụ năng lượng ESCO ra đời chính là để giải quyết bài toán tài chính cho doanh nghiệp. Đây là loại hình kinh doanh mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn chưa hiểu đúng về ESCO và nhầm lẫn ESCO như là một kiểu bán hàng trả góp. Vậy điểm khác biệt nổi trội của ESCO là gì?

Công ty ESCO – họ là ai?

Hiện nay, có 3 đối tượng có thể kinh doanh ESCO, đó là nhóm công ty tài chính, các nhà cung cấp thiết bị và các đơn vị tư vấn giải pháp chuyên nghiệp với những thuận lợi và khó khăn khác nhau. Ví dụ như khi các nhà cung cấp thiết bị tư vấn cho khách hàng triển khai dự án ESCO, họ sẽ chỉ khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm của họ, khách hàng sẽ không có cơ hội lựa chọn những sản phẩm khác mặc dù đối tượng này có ưu thế là hiểu rõ sản phẩm của mình và có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thụ hưởng từ lợi thế đó. 

Đứng về phía trung lập, các đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp chuyên nghiệp đang có lợi thế nhất trong ba nhóm đối tượng kinh doanh ESCO. Họ có chuyên môn, kinh nghiệm tư vấn, thẩm định, triển khai dự án và đầy đủ thiết bị cũng như phương pháp đo lường hiệu quả của dự án trước khi đầu tư. Phương pháp đo đạc là công cụ đắc lực quyết định hiệu quả đầu tư của một dự án theo mô hình ESCO. Đây chính là điểm khác biệt và nổi trội của loại hình kinh doanh ESCO, nó cũng là điểm nhận dạng để phân biệt đâu là một công ty ESCO thực thụ.

Các ngân hàng và tổ chức tài chính đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh ESCO - Ảnh: Mai Nhiệm.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP. HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Viet ESCO chia sẻ: “Những đòi hỏi cao về chuyên môn và kinh nghiệm triển khai dự án ESCO cho thấy, mặc dù thị trường kinh doanh ESCO tại Việt Nam đang rất rộng mở, nhưng để trở thành một công ty ESCO đúng nghĩa không hẳn dễ dàng. Chính vì thế, hiểu đúng về ESCO sẽ giúp cho doanh nghiệp có những quyết định đúng đắn khi lựa chọn đơn vị tư vấn triển khai dịch vụ ESCO, từ đó mới mang lại hiệu quả đầu tư thiết thực”.

Các gói sản phẩm của loại hình kinh doanh ESCO

Gói bảo lãnh hiệu quả năng lượng: Công ty ESCO khảo sát, đo đạc, tư vấn và bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng để đầu tư giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL). Trong loại hình này, công ty ESCO với kinh nghiệm và chức năng của mình, sẽ thẩm định lợi ích của dự án (điều mà hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam không thể tự làm được), từ đó ngân hàng sẽ quyết định mức độ tham gia đầu tư.

Gói chia sẻ lợi nhuận: Công ty ESCO tư vấn và đầu tư thiết bị TKNL cho doanh nghiệp với sự thỏa thuận về việc chia sẻ lợi nhuận sau khi tiết kiệm được. Sau thời hạn thỏa thuận hoàn trả chi phí đầu tư ban đầu giữa hai bên (thường không quá 3 năm), thiết bị sẽ được bàn giao lại cho doanh nghiệp thừa hưởng vô thời hạn. Với loại hình này, lợi nhuận không phải chia cho bên thứ 3 là các tổ chức tài chính như loại hình bảo lãnh hiệu quả năng lượng ở trên mà chỉ thông qua thỏa thuận giữa doanh nghiệp thụ hưởng và ESCO. Tuy nhiên, hạn chế của loại hình này chính là ESCO phải có nguồn lực tài chính vững vàng. 

Gói bảo lãnh tài chính: Ở loại hình này, doanh nghiệp muốn tự mình triển khai giải pháp, nhưng gặp khó khăn về vốn và nhờ ESCO đứng ra bảo lãnh để thu xếp tài chính với ngân hàng. Như vậy, ở đây ESCO sẽ đóng vai trò là một đơn vị thu xếp tài chính.

Gói mua bán điện: ESCO đầu tư hệ thống trữ điện, sẽ mua điện vào giờ thấp điểm và bán lại vào giờ cao điểm. Đây là loại hình kinh doanh không có lợi về mặt TKNL, nhưng mang lại lợi ích cho quốc gia vì giảm tải vào giờ cao điểm sẽ giúp cắt giảm kinh phí đầu tư cho nhà máy điện. Tuy nhiên, đây là loại hình khó triển khai tại Việt Nam vì các ESCO sẽ không có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư các thiết bị trữ điện.

Tùy vào sự hiểu biết và hiện trạng của từng doanh nghiệp mà doanh nghiệp quyết định tham gia đầu tư theo gói sản phẩm nào. Trong 4 gói sản phẩm nói trên, gói bảo lãnh hiệu quả năng lượng sẽ phù hợp với điều kiện ngân hàng Việt Nam bởi phần lớn các ngân hàng chưa có quy trình thẩm định các dự án TKNL và phải cần đến sự hỗ trợ chuyên môn của công ty ESCO.

Trong khi đó, gói sản phẩm bảo lãnh tài chính lại thích hợp nhất với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vì họ không có khả năng tự triển khai giải pháp và đủ năng lực tài chính.  Tuy nhiên, lãi suất cao và không có quỹ hỗ trợ vẫn là hai rào cản lớn cho tiến trình thực hiện TKNL. 


  • 10/02/2013 11:38
  • Mai Nhiệm (Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM)
  • 20816