Là anh cả trong gia đình thuần nông, từ nhỏ, Đậu Văn Thuận (16 tuổi, lớp 10 C1, Trường THPT Diễn Châu 4, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đam mê chế tạo. Nam sinh thường đến các quán sửa chữa điện tử, nơi nhập ve chai để xin đồ về chế tạo mô hình máy bay, tàu điện…
Thuận cho biết, ý tưởng chế tạo máy phát điện bằng năng lượng mặt trời nhen nhóm từ hè năm cậu học lớp 9. Chứng kiến cảnh người dân mệt nhọc mang máy phát điện ra đồng bơm nước cho cánh đồng ngô khô hạn, vừa tốn kém lại gây ô nhiễm môi trường, Thuận nghĩ phải làm cái gì đó.
Thuận và Chính xem lại mô hình máy phát điện bằng năng lượng mặt trời đầu tiên của mình.
|
“Em tình cờ tìm thấy trên mạng thông tin về động cơ sử dụng dầu, rơm rạ để đốt. Sau khi tìm hiểu kỹ, em quyết định cải tiến nó, tận dụng năng lượng mặt trời để vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa không gây ô nhiễm môi trường”, Thuận kể lại.
Nam sinh đã chia sẻ ý tưởng và rủ thêm bạn học cùng lớp là Nguyễn Ngọc Chính (giỏi môn Vật lý) tham gia. Hai bạn tranh thủ đến các cửa hàng phế liệu tìm kiếm lon bia, thanh sắt, hộp sữa… để cắt, chế thành những bộ phận của động cơ.
“Việc của Thuận là thiết kế sơ đồ, cấu tạo máy, còn em nghĩ ra các vật liệu, dụng cụ để chế tạo. Chúng em còn được thầy Nguyễn Minh Đồng, giáo viên bộ môn Tin học, giúp đỡ tận tình”, Chính cho biết.
Sau 6 tháng, hai bạn trẻ đã hoàn thành mô hình máy phát điện. Thuận cho biết, máy được thiết kế với một gương cầu lõm dùng hứng ánh sáng mặt trời, cung cấp nhiệt cho động cơ đốt ngoài hoạt động.
Với mô hình này, Thuận và Chính giành giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do trường THCS Diễn Hải tổ chức. Được sự ủng hộ của thầy Đồng, hai “nhà khoa học nhí” tiếp tục nghiên cứu mô hình lớn hơn và đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2014–2015; giải nhì khu vực phía Bắc và giải Ba quốc gia. Ngoài ra, Thuận và Chính được Bộ trưởng GD&ĐT tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc này.
“Mặc dù được ban giám khảo cuộc thi đánh giá mang tính ứng dụng vào thực tế cao, nhưng em vẫn thấy rất khó để có thể biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Chế tạo máy từ mô hình này sẽ mất khá nhiều tiền nên không biết đến bao giờ nó mới có thể ra đồng cùng người dân được”, Thuận buồn bã nói khi cho biết về dự tính của mình.
Theo thầy Nguyễn Minh Đồng, Thuận và Chính là những học sinh rất chăm chỉ, thông minh và sáng tạo. Thầy Đồng chỉ đóng vai trò hướng dẫn các em công đoạn khó và giải đáp những thắc mắc trong quá trình chế tạo thành công mô hình máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời. Khi thất bại, Thuận và Chính không nản chí, cố gắng tìm hướng giải quyết và không ỷ lại thầy.
|