Năng lượng mặt trời được xem là "vị vua mới" trong ngành năng lượng thế giới

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) vừa công bố một số kịch bản phát triển năng lượng trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới thường niên. Theo kịch bản Phát triển bền vững (SDS), năng lượng mặt trời được xem là "vị vua mới" trong ngành năng lượng thế giới nhằm thúc đẩy các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris sẽ đạt được đúng thời hạn.

Cụ thể trong báo cáo, IEA cho biết xu hướng trên thị trường năng lượng năm 2021 là giá điện mặt trời tiếp tục giảm. Trong 5 dự án điện mặt trời có giá trúng thầu thấp nhất, 4 dự án nằm ở khu vực Trung Đông. Khu vực này có điều kiện thuận lợi để sản xuất điện mặt trời giá rẻ, đặc biệt là giá vốn thấp, doanh thu đảm bảo và nhiều bức xạ mặt trời.

Trang trại năng lượng mặt trời Solucar tại Tây Ban Nha - Nguồn ảnh: National Geographic Society.

Báo cáo cho rằng, hiện có hai quốc gia có thể chiếm vị trí nhà sản xuất năng lượng mặt trời rẻ nhất thế giới của UAE là Tây Ban Nha và Chile. Cả hai quốc gia này đều đã thiết lập các thị trường bán buôn điện, có thể kích hoạt đấu thầu tích cực đối với các nhà phát triển năng lượng.

Bên cạnh đó, các chủ sở hữu tài sản điện mặt trời đang ngày càng tinh vi hơn, sẵn sàng từ bỏ doanh thu theo hợp đồng, chấp nhận đòn bẩy thương mại một phần hoặc toàn bộ để giảm chi phí điện mặt trời và gia tăng thời gian hoạt động của dự án.

Báo cáo cũng chỉ rõ, điều đáng lo ngại khi phát triển điện mặt trời là vấn đề chất thải từ năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, chất thải từ các nhà máy điện mặt trời chưa phải là một vấn đề toàn cầu vì khối lượng của chúng rất nhỏ, chỉ chiếm 1% chất thải điện tử toàn cầu mỗi năm. Lượng chất thải này vẫn còn thấp do lĩnh vực này còn mới và thời gian bảo hành các module thường từ 25 năm trở lên. 

IEA cũng đã công bố các báo cáo về quản lý cuối vòng đời đối với các tấm pin mặt trời, công nghệ tái chế pin mặt trời, theo đó cho rằng, thế giới sẽ sản sinh ra 1,7-8 triệu tấn chất thải quang điện vào năm 2030, tùy thuộc vào các kịch bản được xem xét. Lượng rác thải từ các tấm quang điện mặt trời này tương ứng với 3-16% lượng rác thải điện tử hàng năm.

Đến năm 2050, khối lượng pin mặt trời hết thời hạn sử dụng sẽ tăng lên từ 60-78 triệu tấn. Hiện nay có một số nhà sản xuất đã cung cấp dịch vụ tái chế module năng lượng mặt trời của mình, đồng thời thiết lập các cơ sở tái chế chuyên dụng. Ví dụ như nhà sản xuất First Solar đã triển khai chương trình toàn cầu về thu thập và tái chế module năng lượng mặt trời vào năm 2005. Công nghệ của hãng cho phép tái sử dụng 90% vật liệu bán dẫn và thủy tinh.

Đến năm 2050, thị trường tái chế module mặt trời sẽ có quy mô 15 tỷ USD/năm và khối lượng chất thải tích lũy có thể sản xuất 2 tỷ module mặt trời, tương đương với 630 GW. Do đó, việc tổ chức hợp lý, tái chế chất thải từ các nhà máy điện mặt trời có thể mang lại lợi ích lớn mà không cần các biện pháp bổ sung. 


  • 23/07/2021 11:27
  • Di Linh (biên dịch theo https://www.iea.org/reports/global-energy-review-2021)
  • 2842