Bùng nổ trên toàn cầu
NLTT có nhược điểm khó khắc phục là hiệu suất khai thác kém vì không ổn định. Cụ thể, năng lượng mặt trời chỉ có thể khai thác vào ban ngày, thủy điện phải có đủ nước và tốc độ gió không phải lúc nào cũng đủ mạnh để chạy các tuabin…
Năng lượng gió, năng lượng mặt trời được dự đoán sẽ phát triển mạnh trong năm 2016 - Ảnh minh họa
|
Nhưng nhìn chung trên thế giới, NLTT vẫn đang được đầu tư nghiên cứu và khuyến khích sử dụng nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, năng lượng gió và năng lượng mặt trời có khả năng sẽ “bùng nổ” khi các công trình năng lượng xanh liên tục được xây dựng, dù cho nguồn nhiên liệu hóa thạch xuống giá liên tục.
Cụ thể, Mỹ đang phát triển thiết bị khai thác năng lượng sóng biển tương tự như cánh quạt máy bay hay các thanh tuabin gió. Theo thiết kế, thiết bị khai thác năng lượng sóng biển sẽ đặt dưới mực nước biển ở độ sâu 300 m, có công suất 200 kW.
Nhà máy điện khai thác năng lượng sóng biển đầu tiên này mở ra triển vọng cung cấp năng lượng sạch cho 50% dân số nước Mỹ sống tại các đô thị ven biển.
Chính phủ Thụy Điển cũng vừa công bố sẽ đầu tư 546 triệu USD vào NLTT và chống biến đổi khí hậu trong ngân sách năm 2016.
Đất nước Bắc Âu này từng thông báo sẽ đưa Stockholm trở thành thành phố nói "không" với nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. "Chúng ta có thể thành công trong việc tạo ra một cuộc cách mạng xanh thực sự, nếu dần dần tránh xa nguồn nhiên liệu hóa thạch vốn là nguyên nhân làm biến đổi khí hậu trong nhiều năm qua" - Thủ tướng Thụy Điển, ông Stefan Lofven nói.
Nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, có dự trữ lớn về năng lượng địa nhiệt (chiếm tới 40% dự trữ của thế giới), cùng với việc chuyển hướng phát triển sang xây dựng một nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, Chính phủ Indonesia đang khuyến khích phát triển các nguồn NLTT, với mục tiêu nâng tỷ trọng NLTT, lên 17% tổng sản lượng điện năng vào năm 2025.
Năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện, đang là lĩnh vực phát triển nhanh nhất và dự kiến sẽ tăng khoảng 40% trong 5 năm tới. Thủy điện hiện chiếm 80% sản lượng năng lượng tái tạo trên toàn cầu, song việc xây dựng các đập thủy điện có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của các dòng sông.
Giám đốc điều hành IEA - Bà Maria van der Hoeven:
“Trở ngại lớn nhất cho phát triển NLTT chính là sự gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư khi các nước thay đổi chính sách năng lượng. Nhiều nguồn NLTT không đòi hỏi phải có các gói hỗ trợ kinh tế lớn, nhưng chúng cần có những chính sách dài hạn để phát triển bền vững trên một thị trường ổn định”.
|
Các nguồn năng lượng khác như gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt và nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ thực vật cũng được dự kiến sẽ phát triển mạnh, song những nguồn này mới đóng góp một phần nhỏ cho thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), những nguồn năng lượng tái tạo khác (ngoài thủy điện) sẽ cung cấp 8% tổng năng lượng toàn cầu vào năm 2018, tăng 4% so với năm 2011 và 6% so với năm 2006. Thêm vào đó, giá thành NLTT đang giảm xuống mức thấp hơn so với chi phí sử dụng các nguồn nhiên liệu truyền thống như than, khí đốt tự nhiên và dầu lửa tại một số thị trường có giá điện cao.
Và sẽ tiếp đà phát triển… dù còn rào cản
Dù phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng NLTT đang phải đối mặt với thời kỳ bất ổn do nguồn tài chính hỗ trợ từ chính phủ ở các nước phát triển ngày càng giảm dần. Theo ước tính của IEA, số tiền cho trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trên thế giới nhiều hơn 6 lần so với những ưu đãi dành cho năng lượng tái tạo.
Các chuyên gia năng lượng nhận định một cách thận trọng rằng, NLTT còn một chặng đường dài phía trước, nhất là khi các doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục được rào cản lớn nhất là làm thế nào tích trữ được năng lượng với giá thành thấp trong những ngày nhiều mây và lặng gió.
Tuy nhiên, trong bối cảnh năng lượng ngày càng khan hiếm, năm 2016, NLTT có khả năng sẽ trở thành nguồn nhiên liệu sản xuất điện nhiều thứ hai thế giới, sau than đá.