Tiêu hao nhiều năng lượng
Theo ông Vũ Ngọc Bảo – Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy Việt Nam, ngành Giấy Việt Nam hiện nay tiêu hao nhiều năng lượng hơn so với ngành giấy các nước trong khu vực.
Trên 1/3 năng lực sản xuất giấy (35%) quá lạc hậu, với hàng trăm dây chuyền sản xuất có công suất nhỏ dưới 10.000 tấn/năm. Những cơ sở này có thiết bị rất lạc hậu, thô sơ, tiêu hao nhiều nguyên liệu, hóa chất, năng lượng nước và nhân công, cũng như gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
|
Hầu hết máy xeo sử dụng trong ngành Giấy có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc - Ảnh: Thu Hà |
1/3 năng lực sản xuất giấy có công nghệ hiện đại hơn là các dây chuyền sản xuất có công suất từ 20.000 - 30.000 tấn/năm, với thiết bị chuẩn bị bột phần lớn của châu Âu và máy xeo Trung Quốc.
Gần 1/3 năng lực sản xuất giấy còn lại thuộc dây chuyền sản xuất, công suất trên 50.000 tấn/năm, trong đó có hai máy xeo thuộc loại hiện đại nhất hiện nay, 3 dây chuyền còn lại có thiết bị hiện đại hoặc tương đối hiện đại.
Trong khi đó, tại hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới, các thiết bị sản xuất giấy đều có công suất trên 200.000 tấn và máy xeo lớn nhất thế giới hiện nay có công suất trên 1 triệu tấn/năm. “Nếu tính theo công suất tối thiểu này, thì Việt Nam chỉ cần 8 máy xeo để sản xuất 1,638 triệu tấn trong năm 2012”, ông Vũ Ngọc Bảo khẳng định.
Tích cực tham gia chiến dịch hiệu quả năng lượng
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, để cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và sử dụng hiệu quả năng lượng, toàn bộ các doanh nghiệp trong ngành Giấy cần thời gian gần 10 năm.
|
Các doanh nghiệp trong ngành Giấy nên tìm kiếm các giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - Ảnh: Thu Hà |
Tuy nhiên, theo bà Vũ Tường Anh - Chuyên gia về sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết: Hiện nay, IFC đang hỗ trợ chiến dịch hiệu quả năng lượng do Bộ Công Thương phát động trong 3 năm (2012 – 2015), tập trung vào 4 ngành xi măng, thép, giấy và hóa chất.
Vì vậy, "các doanh nghiệp trong ngành Giấy nên tích cực tham gia chiến dịch, góp phần cải thiện, nâng cao hiệu suất, quản lý sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm đạt được hiệu quả tiết kiệm cao nhất", bà Vũ Tường Anh khẳng định.
Cụ thể, IFC hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông quan ngân hàng, phân tích những lợi ích về kinh tế khi ngân hàng cho vay vốn đối với các dự án sử dụng hiệu quả năng lượng. Đồng thời, IFC còn tổ chức các khóa đào tạo cho ngân hàng về thẩm định các dự án hiệu quả năng lượng, đảm bảo cho cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đạt được những mục đích về tài chính... Nói cách khác, IFC giữ vai trò trung gian, là cầu nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Còn theo ông Vũ Ngọc Bảo, các dự án đầu tư mới thường sử dụng thiết bị có công suất khoảng 50.000 tấn/năm. Ở quy mô này, các nhà đầu tư có xu thế lựa chọn khâu chuẩn bị bột sử dụng thiết bị châu Âu, còn phần máy xeo giấy sử dụng thiết bị Trung Quốc nhưng nên lựa chọn cẩn thận. Đồng thời, áp dụng các hệ thống điều khiển chất lượng, quá trình sản xuất tự động để sử dụng hiệu quả năng lượng trong toàn bộ hệ thống sản xuất.
Một số chương trình tài trợ sử dụng năng lượng hiệu quả:
- Chương trình tài trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch của IFC:
+ Các khoản vay trung và dài hạn từ các ngân hàng đối tác của IFC là Techcombank và Vietinbank. Các dự án đủ tiêu chuẩn tham gia là dự án đem lại kết quả tiết kiệm ít nhất 15% năng lượng hoặc vật liệu hoặc dự án năng lượng tái tạo, thay thế năng lượng hóa thạch.
+ Tài trợ cho ngắn hạn (tài trợ thương mại) để nhập khẩu các thiết bị/công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả.
- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA).
- Chương trình, trình diễn hiệu quả năng lượng của JICA thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
- Chương trình tài trợ hiệu quả năng lượng của VDB.
|