Ngành công nghiệp khai thác titan chịu nhiều tác động do biến đổi khí hậu

Các quặng sa khoáng titan tập trung chủ yếu tại khu vực ven biển miền Trung. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nhiều tác động từ BĐKH

Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, BĐKH với các hiện tượng bão lụt bất thường, nhiệt độ tăng và nước biển dâng đã và đang gây ảnh hưởng đáng kể tới mọi mặt hoạt động của ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến quặng sa khoáng titan vùng ven biển miền Trung (tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận...) là một trong những khu vực chịu thiệt hại nhiều nhất do ảnh hưởng của BĐKH, do đây là những khu công nghiệp nằm ở các vùng chịu nhiều tác động của mưa bão, lụt, sạt lở, nước biển dâng...  

Nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ- Luyện kim, Bộ Công Thương đã chỉ ra, BĐKH gây ra những tác động không nhỏ tới công tác tìm kiếm, thăm dò quặng titan. Mùa mưa mỗi năm, nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào vùng ven biển miền Trung, cộng với các đợt mưa lũ bất thường, gây tình trạng ngập úng các vùng phân bố quặng, cản trở công tác thăm dò, đào hào lấy mẫu quặng, mở đường địa chất... Đáng chú ý, mưa lớn làm giảm khoảng 20-30% sản lượng khai thác, cản trở công tác vận chuyển, lưu giữ quặng...

Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt còn làm xói mòn, thất thoát nguồn tài nguyên sa khoáng titan ven biển, gây nguy cơ rò rỉ phóng xạ, làm ô nhiễm môi trường.

Vấn đề xâm nhiễm mặn do BĐKH dẫn đến nguy cơ nhiễm mặn quặng, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị mẫu công nghệ trong quá trình thăm dò, ảnh hưởng đến chất lượng quặng.

BĐKH còn kéo theo tình trạng hạn hán kéo dài. Trong khi đó, đặc thù quá trình khai thác và tuyển quặng titan cần sử dụng một lượng nước lớn cho vận chuyển quặng, tuyển rửa, phân cấp. Đây là nguyên nhân khiến việc cấp nước cho hoạt động khai thác và tuyển quặng thêm khó khăn và tốn kém. Do hạn hán, hiệu suất khai thác và tuyển quặng bị giảm xuống, có nơi giảm tới 50% như tại khu khai thác tỉnh Quảng Trị.

Hoạt động khai thác titan chịu nhiều tác động do BĐKH. Ảnh minh họa

Chủ động triển khai các giải pháp thích ứng và đối phó với BĐKH

Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho vùng ven biển miền Trung theo mức phát thải trung bình do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, giai đoạn 2020-2030, nhiệt độ có thể tăng 0,5- 0,8 độ C, mức thay đổi lượng mưa năm khoảng 7-8%, mực nước biển dâng khoảng 8-12cm. Dự báo trong thời gian tới, các hiện tượng thiên tai, cực đoan có xu hướng gia tăng về tần suất, cường độ tại vùng ven biển miền Trung.

Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ- Luyện kim nhận định, ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng titan là một trong những ngành bị đe dọa nghiêm trọng do BĐKH. Do đó, cần chủ động thực hiện các giải pháp nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH.

Để ứng phó với BĐKH cho khu vực khai thác và chế biến sa khoáng titan, Viện đã đề ra một số giải pháp như: Lồng ghép các vấn đề BĐKH vào Quy hoạch phát triển ngành titan, Chiến lược và Quy hoạch phát triển KTXH địa phương; gia tăng tính hữu hiệu của hệ thống quản lý về an toàn môi trường và phát triển bền vững của các chính sách kinh tế xã hội; ....

Bên cạnh đó, các địa phương, các doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực cho khai thác và chế biến ở quy mô lớn, không quy hoạch thăm dò thêm các khu vực nhỏ, lẻ. Đồng thời, ưu tiên khai thác trước những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt do BĐKH (vùng titan tại tỉnh Bình Định, Quảng Nam), nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH.

Trong hoạt động khai thác và tuyển khoáng, các doanh nghiệp cần áp dụng quy trình công nghệ thân thiện với môi trường, áp dụng mô hình cải tạo hoàn thổ phục hồi môi trường tiên tiến cho các mỏ sa khoảng, áp dụng mô hình chống ngập lụt... Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng công tác tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; kiểm soát, giảm thiểu tác động do phóng xạ...


  • 07/09/2015 10:48
  • Minh Hạnh
  • 1793