Những cách tiết kiệm nhằm đối phó với khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

Trong nỗ lực chống lại khủng hoảng năng lượng, tránh đóng cửa sản xuất kinh doanh, nhiều nước châu Âu đã đưa ra áp dụng chính sách tiết kiệm năng lượng bắt buộc, khiến nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch.

Theo báo Người bảo vệ trực tuyến Anh (TCU),  cách tiết kiệm năng lượng (TKNL) của châu Âu hiện cũng rất đa dạng, như tắt đèn sớm, giảm tiêu dùng điện cho Giáng sinh, giới hạn hệ thống sưởi, miễn phí vé đường sắt, trợ cấp nhiên liệu, hạn chế dùng bộ tản nhiệt, giảm vui chơi giải trí... Với việc phân bổ năng lượng đang được tiến hành một cách nghiêm túc trên nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) khiến cho nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng. Tiết kiệm năng lượng khiến mùa đông ở châu Âu hiện không còn hoa lệ như xưa nữa. Dưới đây là một số cách TKNL của một số nước châu Âu để chống chọi với khủng hoảng năng lượng.

Anh: Cắt giảm giờ làm, dùng nến thay điện

Trong nỗ lực cắt giảm hóa đơn và tránh đóng cửa, từ cuối tháng 9/2022, tại Anh người ta đã khuyến cáo chủ các nhà hàng và quán rượu nên tắt điện, thay bằng nến vào các ngày thứ hai hàng tuần. Ví dụ, chủ nhà hàng The Mason Arms (TMA) ở Camelford, Cornwall đã áp dụng cách làm này. 

Theo TCU, tắt điện, thay bằng nến trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng phản ánh sự khắc nghiệt,  áp lực mà các doanh nghiệp phải thích ứng để tồn tại.

Chủ quán TMA cho biết, ngoài dùng nến thay điện, họ đang xem xét giảm giờ mở cửa để giảm hóa đơn tiền điện. Các quán rượu khác cho biết họ sẽ đóng cửa vào một số đêm trong tuần để giảm chi phí. Cụ thể TMA đã tắt 25 đèn và lò sưởi để thắp nến, tiết kiệm  tiền điện khoảng 4.000 bảng Anh (khoảng 106 triệu VNĐ) một tháng. Cùng với TMA, nhà trọ White Hart ở Ludgvan, gần Penzance, tuần cuối tháng 9/2022 thông báo đóng cửa vào thứ hai và thứ ba "cho đến khi có thông báo mới" vì "chi phí tăng cao ... trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay". Hay nhà trọ St John, gần Torpoint, chỉ mở cửa bốn ngày một tuần để tiết kiệm tiền điện và tiền lương nhân viên.

Pháp: Tắt đèn ở thủ đô

Tháp Eiffel sẽ cắt ánh sáng lúc 11 giờ 45 phút tối, thay vì 1 giờ sáng. Nguồn: Flickr

Từ xưa Paris – thủ đô nước Pháp từng được ví là “kinh đô ánh sáng” nhưng nay cũng bắt đầu thay đổi để tiết kiệm điện. Ville Lumière sẽ tắt đèn vào đầu mùa đông năm nay, với Tháp Eiffel cắt ánh sáng lúc 11 giờ 45 phút tối, thay vì 1 giờ sáng như mọi khi. Các biện pháp tương tự cũng được áp dụng đối với Kim tự tháp Louvre và lâu đài Château de Versailles. Những thay đổi này là một phần trong “kế hoạch an toàn năng lượng” quốc gia và Paris đã cam kết giảm mức tiêu thụ năng lượng tổng thể xuống 10%. Từ tháng 10, đèn cửa hàng dọc theo đại lộ Champs-Elysées mang tính biểu tượng sẽ tắt trước đó vài giờ và việc trưng bày đèn Giáng sinh cũng sẽ giảm bớt trong năm nay.

Tuy nhiên, thành phố vẫn đang lo lắng để giữ đủ ánh sáng để làm hài lòng du khách, vì vậy những cây cầu đẹp như tranh vẽ qua sông Seine sẽ vẫn được chiếu sáng như bình thường. Trong các chung cư, nhà tập thể công nhân và cư dân nhiệt độ sưởi ấm giảm từ 19°C xuống 18°C.

Đức: Bớt ánh sáng cho Giáng sinh

Mặc dù mùa Giáng sinh chưa bắt đầu, nhưng một số biện pháp đã có hiệu lực, rất đa dạng, bao gồm giới hạn sưởi ấm cho các tòa nhà công cộng, các bảo tàng, nhà hát, tượng đài, điểm tham quan cũng tắt đèn vào ban đêm.

Tại thủ đô Berlin, quy định tắt đèn sớm áp dụng cho khoảng 200 điểm, bao gồm cả nhà thờ, cổng Brandenburg, cung điện Charlottenburg. Tại thành phố Hamburg, đài phun nước Alster cũng dừng hoạt động sớm hơn hai tháng so với bình thường, dù mùa đông chưa đến.

Tây Ban Nha: Giới hạn nhiệt độ làm mát và sưởi ấm

Tây Ban Nha đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng theo ba cách: sử dụng thuế lợi tức phụ thu áp dụng cho các công ty năng lượng để trợ giá cho hóa đơn điện của các hộ gia đình; phát vé tàu hỏa miễn phí cho người dân trong bốn tháng, và yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức công cắt giảm tiêu thụ điện và khí đốt.

Biện pháp giới hạn nhiệt độ của Tây Ban Nha áp dụng cụ thể như sau: nhiệt độ tối thiểu vào mùa hè mà các cửa hàng, nhà hàng và khách sạn có thể đặt cho điều hòa là 27 độ C, còn nhiệt độ tối đa để sưởi ấm trong không gian công cộng vào mùa đông là 19 độ C. Các cửa hàng và tòa nhà không có người sử dụng phải tắt đèn trang trí lúc 22h. Các cơ sở kinh doanh và không gian công cộng phải đóng cửa ra vào để giữ không khí ấm vào mùa đông hoặc làm mát vào mùa hè.

Phát vé tàu lửa miễn phí cho người dân trong bốn tháng là cách làm rất cụ thể giúp tiết kiệm năng lượng của Tây Ban Nha. Nguồn: Ricksteves

Italia: Quy định thời gian sử dụng và nhiệt độ của các hệ thống sưởi

Thủ tướng Italia đồng ý đáp ứng các hướng dẫn của EU về tiết kiệm năng lượng, điều này làm cho với các hộ gia đình cảm thấy khó khăn. Các quy định về thời gian và nhiệt độ đối với hệ thống sưởi trong các chung cư trên toàn quốc có thể sẽ được quy định chặt hơn. Nhiệt độ tại văn phòng và các tòa nhà công cộng có thể lạnh hơn.

Hy Lạp: Trợ cấp nhiên liệu và tăng chuyến bay

Do lệ thuộc vào khí đốt của Nga 40% nhu cầu năng lượng, nên từ tháng 6/2022, Thủ tướng Kyriakos Mitso takis đưa ra mức giới hạn giá điện bán buôn trong một nỗ lực nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Giá bán xăng dầu cũng đã được trợ giá, đồng nghĩa với việc giá bán tại các điểm bơm sẽ giảm đi hơn. Hy Lạp đã quyết định trợ giá xăng dầu và tăng chuyến bay để  kéo dài mùa du lịch bằng cách duy trì các đường bay từ Bắc và Trung Âu. Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng của nước này dự đoán Hy Lạp gần như không bị cắt điện vào mùa đông này.

Áo: "Thắt lưng buộc bụng"

COVID-19, lạm phát tăng vọt và cuộc chiến ở Ukraine khiến giá năng lượng ở Áo tăng cao, Vienna cũng giống như các nước láng giềng châu Âu - bắt đầu “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu và tiêu thụ năng lượng. Ví dụ, nhiệt độ sưởi vào mùa đông là 18 độ C, thời gian bật đèn chiếu sáng tại các phiên chợ Giáng sinh trong năm 2022 giảm xuống còn 364 giờ so với 660 giờ như trước đây. Cụ thể, các phiên chợ sẽ dùng đèn LED trang trí, bật từ 15h đến 22h hàng ngày, đây là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao giúp tiết kiệm khoảng 20%.

Những khu nghỉ dưỡng, giải trí trượt tuyết trên dãy Anpơ ở Áo cũng sẽ hoạt động hạn chế, ít ghế cáp treo chở khách trượt tuyết hơn, không bật đèn sáng trưng buổi tối, ít phun tuyết hơn... Ngoài ra, du khách còn được khuyến cáo chọn những nơi vui chơi sử dụng năng lượng bền vững để tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tiêu hao năng lượng. “Đèn LED sẽ được sử dụng từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối chứ không phải đến nửa đêm như trước năm 2021 nữa”, Anita Bock, người phát ngôn của Phòng Thương mại Vienna cho hay.


  • 24/10/2022 04:02
  • Khắc Nam (Theo TCU-10/2022)
  • 2227