Trung Quốc là một thí dụ tiêu biểu với hình ảnh bầu không khí mờ mịt bởi khói bụi dày đặc tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải. Trước tình trạng đó, nhà chức trách nước này đã lên kế hoạch giảm 30% lượng tiêu thụ than vào năm nay, thay vào đó là sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Trong khi đó tại Mỹ, đất nước đứng thứ 8 về mức độ ô nhiễm không khí nặng nề, lại có một hướng đi ngược lại. Tổng thống Donald Trump cho biết, ông dự định sẽ hồi sinh ngành công nghiệp than đá tại nước này theo lời hứa trong đợt tranh cử tổng thống vừa qua.
Những con số dưới đây cho thấy tình trạng môi trường trên thế giới với các khía cạnh về tiêu thụ, sử dụng năng lượng, mức độ ô nhiễm không khí, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
PM 2,5 là đơn vị phổ biến để đo mức độ ô nhiễm không khí, chỉ mật độ các hạt bụi nhỏ dưới 2,5 micromet trong 1m3 không khí. Kích thước này tương đương với kích thước của vi khuẩn, mắt thường không thể nhìn thấy và được đánh giá là vô cùng nguy hiểm vì có thể gây ra các bệnh phổi như suyễn, tắc nghẽn phổi…
WHO khuyến cáo, mức an toàn của không khí là khi chỉ số PM 2,5 dưới 10. Khi chỉ số này chạm ngưỡng 35, không khí đã cực kỳ ô nhiễm và trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Một số thành phố lớn của Trung Quốc đã đạt ngưỡng 500 PM 2,5. Tuy nhiên, xét tổng thể trên toàn quốc gia, A-rập Xê-út là nước có không khí ô nhiễm bậc nhất trên thế giới. Lý do chính được kể tới là do tác động của ngành công nghiệp dầu mỏ ở nước này.