Nhiều rào cản cũ
Trước đây, các phương tiện, thiết bị điện thuộc diện dán nhãn năng lượng phải được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm độc lập, đảm bảo tính minh bạch, độ chính xác cao. Quy định này làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất và nhập khẩu thiết bị.
Ngoài ra, việc chỉ định các phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng tại nước ngoài cũng gây nhiều phiền hà cho các doanh nghiệp. Hiện chỉ có 02 phòng thử nghiệm độc lập tại Hàn Quốc và Thái Lan đăng ký và được chỉ định thực hiện. Vì vậy, các nhà sản xuất nước ngoài không có nhiều lựa chọn trong việc thử nghiệm sản phẩm tại nước ngoài; đồng thời cũng không giảm tải được cho các phòng thử nghiệm trong nước…
Để được dán nhãn năng lượng và chứng nhận tiêu thụ hiệu suất năng lượng tối thiểu, các nhà sản xuất và các công ty nhập khẩu phải có mẫu hàng hóa được kiểm tra bởi đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định. Tuy nhiên, việc kiểm tra có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng, phụ thuộc vào các sản phẩm và khối lượng công việc của những đơn vị kiểm tra nên mất rất nhiều thời gian.
Ngoài ra, yêu cầu mẫu hàng hóa phải được kiểm tra cụ thể cho từng lô hàng và kết quả kiểm tra chỉ được sử dụng một lần cũng gây khó khi thông quan, tăng thêm chi phí cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu.
“Cởi trói” nhiều quy định
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu khi thực hiện dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng, ngày 28/12/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07/2012, theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính cũng như thời gian đăng kí và chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện dán nhãn năng lượng; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các sản phẩm hàng hóa sau khi đưa ra thị trường.
Theo đó, Thông tư 36/2016 cho phép thử nghiệm dán nhãn năng lượng có thể thực hiện ở các tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Đồng thời, doanh nghiệp được quyền tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện, thiết bị sản xuất, nhập khẩu và chịu trách nhiệm về độ chính xác, trung thực với các thông tin.
Ngoài ra, doanh nghiệp được sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng vô thời hạn đối với sản phẩm cùng model, cùng thông số kỹ thuật, cùng xuất xứ và cùng cơ sở sản xuất; trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện có sai phạm trong kết quả thử nghiệm hoăc có sai phạm, vi phạm của tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, Thông tư mới còn cho phép doanh nghiệp được lựa chọn nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp. Đồng thời, miễn trừ dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất; hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu; hàng hóa doanh nghiệp trong nước sản xuất, gia công phục vụ xuất khẩu; hàng hóa nhập khẩu phi thương mại; hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân.
Với việc “tháo gỡ” hàng loạt quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, Thông tư 36/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương kì vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dán nhãn năng lượng một cách hiệu quả, từng bước loại bỏ những thiết bị hiệu suất năng lượng thấp, thiết thực góp phần tiết kiệm năng lượng quốc gia.
Ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết:
Tính đến cuối năm 2016, đã có hơn 10.000 mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm mục tiêu được Bộ Công Thương cấp phép dán nhãn năng lượng. Theo kết quả khảo sát, có hơn 90% số máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh bày bán trong các siêu thị, cửa hàng điện máy đã được dán nhãn năng lượng. Lượng điện năng tiết kiệm được do sử dụng điều hòa nhiệt độ TKNL đạt trên 100 triệu kWh/năm.
|