Vào ngày Môi trường thế giới (5/6), hai nghệ sỹ người Lithuania là Agnė Gintalaitė và Rimas Valeikis đã có buổi triển lãm ảnh - nơi bạn có thể chiêm ngưỡng những bức tranh Mandalas hoa vô cùng độc đáo.
Đặc biệt, khi đến gần hơn với hình ảnh, bạn sẽ nhận ra cánh hoa đầy màu sắc này chính là những vật dụng điện tử thường thấy trong cuộc sống hàng ngày như: Máy hút bụi, bóng đèn, pin, màn hình máy tính cũ, đồ chơi điện tử, điện thoại dây...
Dự án được thành lập bởi "Hiệp hội các nhà phân phối điện tử" (EPA) tại Lithuania. Đơn vị này đã hợp tác với những nghệ sĩ để nói lên tầm quan trọng của việc tái chế chất thải điện tử.
Trong dịp kỷ niệm quan trọng này, giám đốc của EPA - ông Linas Linas Ivanauskas phát biểu: "Năm nay đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố khẩu hiệu ngày Môi trường là 'Kết nối mọi người với thiên nhiên'.
Khi mọi người sử dụng dịch vụ của chúng tôi thì chúng tôi phải có hành động và trách nhiệm, đặc biệt là trong trường hợp những thiết bị điện tử không cần thiết nữa.
Những chất thải của điện tử không nên làm hại cho môi trường sống của chúng ta, chúng phải tiếp tục tồn tại một cách có ích nhất. Và đó là phần việc không thể tách rời của phân loại chất thải điện tử có trách nhiệm - theo cách này, chúng tôi đã bảo vệ môi trường".
Tác giả của những tác phẩm tuyệt vời này, nhiếp ảnh gia - nhà văn Gintalaitė và nghệ sĩ Valeikis nói rằng nghệ thuật là một công cụ tuyệt vời để nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề công cộng. Thậm chí chúng còn có thể góp phần quan trọng hơn nữa vào quá trình giải quyết các vấn đề môi trường.
"Nghệ thuật nên truyền cảm hứng, kích thích để phát triển và thay đổi bản chất bên trong của vấn đề. Một đống rác thải là ô nhiễm môi trường.
Nhưng nếu chúng ta tái chế nó bằng cách sắp xếp chúng lại theo màu sắc và hình dạng, tạo ra một mảng nghệ thuật mới thì sự xấu xí nhất cũng sẽ trở nên tươi đẹp. Điều này có nghĩa là chúng ta phải có hành động và trách nhiệm để lại bỏ chất thải đúng cách" - Gintalaitė nói.
Dự án này bao gồm 10 bức tranh. "Cây cối, hoa, gợn sóng... một loại Mandala tự nhiên trong sự tự nhiên. Chính vì 'sự bỏ rơi' của con người đối với những thiết bị điện tử mà nó mới được hình thành, kết nối lại thành những bức Mandala tuyệt đẹp tại nơi đây", Valeikis cho biết.
Trong quy trình sản xuất những bức tranh, các nghệ sỹ đã sử dụng pin, dây điện, bóng đèn, vi mạch và các thiết bị điện tử nhỏ khác nhau của: máy tính xách tay, tivi, máy hút bụi, đồ chơi điện tử, máy nghe nhạc, điện thoại,... Những chất thải cho dự án này được cung cấp bởi công ty tái chế chất thải điện tử - EMP.
Triển lãm sẽ được trưng bày từ ngày 5/6 đến 16/6 tại tầng 4 trường đại học Kỹ thuật Vilnius Gediminas, thành phố Vilnius.