Ninh Thuận: Cuối năm 2019, dự kiến thêm 4 dự án điện mặt trời đưa vào vận hành

Thông tin được ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tại Hội thảo khoa học quốc tế “Mô hình phát triển tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, các tiêu chí đánh giá và giải pháp thực hiện” do UBND tỉnh phối hợp với Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam tổ chức ngày 15/11, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Ninh Thuận đang hướng đến trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam - Ảnh: Ng.Tuấn.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có 30 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.817MW, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng và 11 dự án điện gió tổng công suất hơn 630MW, tổng vốn đầu tư hơn 22.100 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực và cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Đến nay, 18 dự án (tổng công suất 1.180MW) đã được đưa vào vận hành. Trong đó, 15 dự án điện mặt trời công suất 1.063MW và 3 dự án điện gió công suất 117MW. Dự kiến đến cuối năm 2019, có thêm 4 dự án điện mặt trời (140MW) và đến năm 2020 có 12 dự án (614MW) tiếp tục đưa vào vận hành thương mại.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các tham luận về mô hình phát triển, thể chế chính sách phát triển điện gió và điện mặt trời tại các khu vực quần đảo Hawaii (Hoa Kỳ), Italy, Australia và những gợi ý có thể áp dụng để phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Đề xuất quy trình xây dựng mô hình phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã đưa ra các tiêu chí đánh giá và quy trình thực hiện 5 bước chính gồm: Xác định tầm nhìn chiến lược xây dựng vùng năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận; xác định các khu vực có tiềm năng kỹ thuật; đánh giá tiềm năng kinh tế và lợi ích thương mại; xây dựng các phương án truyền tải công suất; lựa chọn các phương án truyền tải phù hợp với các tiêu chí kỹ thuật, kinh tế, môi trường và xã hội.

Thông qua hội thảo lần này, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, chủ đầu tư sẽ là cơ sở để tỉnh Ninh Thuận tham khảo, có những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ khó khăn nhằm khai thác tối đa tiềm năng và giải tỏa hết công suất các dự án năng lượng tái tạo đầu tư tại Ninh Thuận.

 


  • 18/11/2019 10:00
  • Ngọc Tuấn
  • 3195