Phát triển xanh là đòi hỏi sống còn đối với doanh nghiệp

Chưa bao giờ, phát triển xanh lại trở thành đòi hỏi bức thiết với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam như bây giờ. Xây dựng công trình tiết kiệm điện, nước và hạn chế gây ô nhiễm môi trường không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà xét ở khía cạnh kinh doanh, đây là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Doanh nghiệp không thể đứng ngoài phát triển xanh

Phát triển bền vững, phát triển xanh không còn là khái niệm mới, tuy nhiên, chưa bao giờ trở thành vấn đề mang tính sống còn với doanh nghiệp như hiện nay, khi mà biến đổi khí hậu diễn biến đáng lo ngại trên diện rộng, môi trường đang bị hủy hoại đến mức báo động, các nguồn lực tự nhiên đang có dấu hiệu suy giảm đáng kể.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra cái chết cho 141.000 người mỗi năm và con số này có thể tăng lên 250.000 người trước năm 2050. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, sự nóng lên toàn cầu sẽ đẩy 100 triệu người vào tình cảnh đói khổ, thiếu lương thực, thuốc men và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày trước năm 2030.

phát triển bền vững, năng lượng, môi trường

Nhà máy TBC Ball ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tỉnh Bình Dương, công trình sử dụng vật liệu giúp tiết kiệm năng lượng.

Trong hơn hai thập kỷ qua, lũ lụt đã tấn công 2,3 tỷ người, hầu hết là ở châu Á. Hiện tượng El Nino bùng phát mãnh liệt và có xu hướng thay đổi thất thường cũng tạo nên những đợt hạn hán kỷ lục tại nhiều nơi trên thế giới. Việt Nam được thống kê là nước đứng thứ bảy trên thế giới về chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những tháng đầu năm nay, miền Tây Nam Bộ đã trải qua một đợt hạn hán kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Tình trạng cá chết hàng loạt tại bờ biển một số tỉnh miền Trung trong tháng 4/2016 càng dấy lên những lo ngại về việc chú trọng đến mục tiêu tăng trưởng nóng, mà xao lãng bảo vệ môi trường.

Phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp, mà đang là yêu cầu ngày càng trở nên bức thiết trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, lợi thế nhờ nhân công giá rẻ và chi phí thấp sẽ không tồn tại lâu, hiệu quả dài hạn trong chi phí sản xuất và năng suất là bài toán các doanh nghiệp cần phải tính toán để tăng lợi thế cạnh tranh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần có cái nhìn dài hạn và phát triển bền vững hơn để chủ động tuân thủ các yêu cầu và chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng uy tín và thương hiệu.

Với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dệt may và da giày Việt Nam được nhận định là hưởng lợi rất lớn. Tuy nhiên, yếu tố phát triển bền vững lại là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ TPP và xây dựng nền tảng cạnh tranh vững chắc.

Thực tế cho thấy, với các đối tác mua hàng chính trong ngành dệt may và da giày như Nike và Adidas, bền vững là yếu tố quan trọng trong quyết định lựa chọn hay phát triển nhà cung cấp. Adidas áp dụng phân tích định kỳ các nhà cung cấp về các chỉ số xanh, trong đó, quy định rõ ràng mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ, nước sạch và khí thải CO2. Đây là những chỉ tiêu mà các doanh nghiệp phải đạt được theo lộ trình để tiếp tục là nhà cung cấp của Adidas.

Còn theo một tài liệu của Nike, công ty này đánh giá các nhà máy gia công của họ dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm chất lượng, đơn giá, thời hạn giao hàng và sản xuất bền vững. Điều đặc biệt là 4 tiêu chí này có trọng số ngang nhau.

Tương tự như Adidas, Nike cũng xác định cụ thể các chỉ tiêu giảm năng lượng tiêu thụ, nước sạch và khí thải CO2. Thậm chí, Nike còn có chiến lược xây dựng các cửa hàng và nhà máy sản xuất đạt chứng chỉ công trình xanh LEED của Mỹ để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của mình.

Các yêu cầu và chỉ tiêu sản xuất bền vững ngày một rõ ràng hơn từ phía đối tác mua hàng của ngành dệt may và da giày Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh doanh nghiệp dệt may và da giày trong xu thế hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, sản xuất bền vững không chỉ là điều buộc phải làm, mà thực sự có lợi ích kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh lâu dài. Để tận dụng cơ hội này, công trình xanh thực sự là công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp dệt may và da giày đạt các chỉ tiêu sản xuất bền vững, đáp ứng yêu cầu của đối tác và hưởng lợi từ hiệu quả lâu dài từ công trình xanh đem lại.

Đầu tư công trình xanh, lợi đủ đường

Công trình xanh là công trình được thiết kế theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng và nước rất nghiêm ngặt, dẫn đến việc giảm đáng kể chi phí vận hành. Trung bình, một công trình xanh tiết kiệm được khoảng 20% điện năng và 40% lượng nước sạch so với công trình bình thường. Về lâu dài, công trình xanh sẽ giảm được rủi ro về chi phí vận hành trước giá điện và giá nước đều có xu hướng và lộ trình tăng liên tục trong thời gian gần đây.

Bên cạnh các lợi ích có thể nhìn thấy được trên đây, công trình xanh còn mang lại cho chủ đầu tư nhiều lợi ích lâu dài và khó có thể đo đếm được. Có thể kể đến việc sức khỏe người lao động được đảm bảo, từ đó năng suất lao động cao hơn và người lao động gắn bó lâu dài hơn. Nếu tính toàn bộ các chi phí của một công trình trong suốt vòng đời 50 năm hoạt động và chi phí xây dựng là 1, thì chi phí vận hành gấp 5 lần và chi phí để trả cho nhân viên gấp 150 lần. Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng được thương hiệu và hình ảnh tốt đối với công chúng qua việc góp phần bảo vệ môi trường rất thiết thực là đầu tư  vào công trình xanh.

Các lợi ích của công trình xanh là rất rõ ràng. Những tưởng chi phí đầu tư để làm công trình xanh sẽ đắt hơn rất nhiều so với công trình bình thường, nhưng thực tế, theo các chuyên gia, chi phí đầu tư tăng thêm này chỉ dừng lại ở con số vài phần trăm so với tổng chi phí xây dựng một công trình bình thường. Tại Mỹ, theo thống kê của Enermodal Engineering tại Denver, chi phí tăng thêm cho công trình xanh là từ 1 - 3%, tùy quy mô công trình. Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Malaysia, chi phí tăng thêm vào khoảng 1% nếu chủ đầu tư làm công trình xanh ở cấp độ cơ bản.

Tại Việt Nam, theo kinh nghiệm của chuyên gia về công trình xanh, các chi phí tăng thêm cũng tương tự như các nước. Thời gian hoàn vốn trung bình là 1 - 3 năm, ít có hạng mục có thời gian hoàn vốn trên 5 năm. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào cấp độ đầu tư ban đầu. Ngoài ra, chi phí tăng thêm từ công trình xanh phụ thuộc nhiều vào đơn vị tư vấn công trình xanh. Các đơn vị tư vấn kinh nghiệm và năng lực đưa ra giải pháp công trình xanh với chi phí tăng thêm thấp nhất nhờ cân đối hợp lý các yếu tố để đạt tiêu chuẩn công trình xanh.

Làm công trình xanh có thể tốn chi phí ban đầu nhiều hơn so với công trình thông thường, nhưng đứng về khía cạnh kinh doanh, đó hoàn toàn là đầu tư tăng thêm, chứ không mất đi. Các chi phí này sẽ đi vào các thiết bị, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành. Sau thời gian hoàn vốn, thường 1 - 5 năm, các thiết bị này là những “cỗ máy” sinh lời cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt, trong đó có doanh nghiệp dệt may, da giầy chưa chú trọng đến đầu tư công trình xanh. Trong khi đó, các nước trong khu vực hay các tập đoàn dệt may nước ngoài lớn đầu tư tại Việt Nam như TAL, FGL, Hanes brands… từ lâu đã áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh của Mỹ (LEED). Điều này cũng có một phần nguyên nhân là thiếu sự tư vấn cho doanh nghiệp Việt về lợi ích của công trình xanh. Nếu không sớm có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động thì doanh nghiệp dệt may, da giầy Việt trong nước sẽ chịu nhiều bất lợi khi cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI cùng ngành.


  • 22/08/2016 04:32
  • Nguồn bài, ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn
  • 4278