Sau 5 năm thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2011-2015): Còn đó những trăn trở

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhiều rào cản được tháo gỡ, cộng đồng xã hội đã tham gia tích cực vào công tác tiết kiệm năng lượng (TKNL)... đó là những thành công bước đầu của việc triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn và trăn trở.

Tiết kiệm 6% 
 
Theo báo cáo của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), sau gần 5 năm triển khai, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) và các đề án trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ (Chương trình Mục tiêu quốc gia) đã thu được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ năng lượng tiết kiệm được đạt gần 6% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. 

Ông Đặng Huy Cường - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, gần 5 năm triển khai, Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ đã góp phần thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ trên phạm vi cả nước; nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người dân về sử dụng năng lượng. 

Đông đảo đoàn viên, thanh niên trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam diễu hành hưởng ứng Giờ Trái đất 2015 - Ảnh: Hồng Hoa

Vẫn khó về vốn, nhân lực và…

Bên cạnh đó, 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai Luật. Theo ông Trần Mạnh Hùng - Trưởng phòng Kinh tế Dự báo phụ tải, Viện Năng lượng: Tổng kinh phí hàng năm cấp cho Chương trình Mục tiêu quốc gia còn hạn chế, cả giai đoạn 2011-2015 chỉ có 349 tỷ đồng, trong khi đối tượng của chương trình rất rộng và đa dạng, từ trung ương tới địa phương. Nguồn kinh phí hàng năm cấp không kịp thời, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Đặc biệt, giá năng lượng tuy đã tăng hơn 10%, nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các giải pháp TKNL. 
 
Việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức, do cơ sở hạ tầng thử nghiệm, nguồn nhân lực, nguồn kinh phí còn hạn chế; sự thiếu hụt và không đồng bộ các tiêu chuẩn, thiết bị thử nghiệm hiệu suất năng lượng. Đến hết tháng 6/2015, Bộ Công Thương đã chỉ định 5 phòng thử nghiệm trong nước và 2 phòng thử nghiệm nước ngoài đủ điều kiện thử nghiệm cho 10 sản phẩm theo Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng. Tuy nhiên, hiện nay còn sản phẩm máy thu hình đã có tiêu chuẩn nhưng chưa có phòng thử nghiệm...
 
Sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng cũng như doanh nghiệp về TKNL vẫn chưa sâu sắc, bền vững. Doanh nghiệp không có vốn hoặc không tiếp cận được các khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL. Trong khi đó, chương trình hỗ trợ 30% tổng số vốn đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị hiệu suất cao cho các doanh nghiệp với mức vay không quá 5 tỷ đồng/doanh nghiệp chưa thực sự hấp dẫn, vì mức hỗ trợ quá thấp. Mặt khác, do khó khăn về tài chính nên nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoặc chưa triển khai các dự án TKNL, đặc biệt là ngành Thép và Xi măng.
 
Điều đáng nói là, đến nay vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa chủ động, tích cực thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến TKNL; lực lượng các chuyên gia kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải và tại các địa phương còn hạn chế. Do đó, việc thực hiện kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp, từ đó, hoạch định các giải pháp TKNL, tư vấn xây dựng dự án, tìm nguồn tài chính còn yếu và thiếu.
 
“Thời gian tới, nhu cầu về sử dụng năng lượng ngày càng tăng cao trong khi nguồn năng lượng truyền thống ngày càng suy giảm. Sử dụng năng lượng TK&HQ được xác định là chiến lược quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, khắc phục những khó khăn, hạn chế, thực hiện hiệu quả hơn nữa các hoạt động TKNL là việc làm vô cùng cần thiết”, ông Đặng Huy Cường nhấn mạnh. 


  • 16/09/2015 10:19
  • Theo Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Thế giới Điện
  • 1835