Nhiều tiềm năng
Sóc Trăng là tỉnh nằm ở vùng hạ lưu ĐBSCL có chiều dài bờ biển khoảng 72km, không chỉ thuận lợi trong phát triển các ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản, cảng biển, logistics, du lịch… mà còn có lợi thế lớn trong phát triển năng lượng điện gió với quy mô công nghiệp.
Ông Lê Thành Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Kết quả khảo sát của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho thấy, các vùng ven biển Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn về điện gió. Cụ thể, bờ biển dài và rộng, tốc độ gió (ở độ cao 120m) tại khu vực bãi bồi ven biển đạt trung bình 8,3m/s. Do đó, Sóc Trăng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các dự án điện gió trong đất liền và ngoài khơi, tương đương quy mô công suất khoảng 7.000MW”.
Xây lắp móng trụ gió tại dự án Nhà máy Điện gió Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh:saigondautu.com.vn. |
Bên cạnh lợi thế điện gió, Sóc Trăng còn có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Theo số liệu quan trắc, số giờ nắng trong năm trên địa bàn tỉnh ở mức khá cao, dao động 2.292-2.488 giờ/năm, bình quân có khoảng 4,7-5 giờ/ngày, thời điểm cao nhất (trong tháng 3-4) có thể đạt trên 6 giờ/ngày.
Ông Logan Wiliam Knox, đại diện chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Lạc Hòa và Nhà máy Điện gió Hòa Đông có tổng công suất 60MW, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng (tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: "Chúng tôi chọn và tìm đến Sóc Trăng vì đây là địa phương có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc phát triển nguồn năng lượng này mang lại những giá trị bền vững, lâu dài không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn là giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả".
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch với 20 dự án điện gió, tổng công suất 1.435MW. Các dự án này đang triển khai khởi công, dự kiến đến tháng 10-2021 đưa vào vận hành 8 dự án, còn lại sẽ đưa vào vận hành trong những năm 2022-2023.
Biến tiềm năng thành động lực
Thị xã Vĩnh Châu, địa phương nằm khá xa trung tâm hành chính tỉnh Sóc Trăng (khoảng 40km), tuy nhiên với việc sở hữu hơn 43km bờ biển, Vĩnh Châu đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch. Từ những bờ biển trải dài, hoang vu, xa xôi, Vĩnh Châu đang khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế sẵn có để chuyển mình bứt phá.
“Với 18 dự án điện gió (chiếm 85,7% các dự án toàn tỉnh), điện gió đang được xem là động lực quan trọng để Vĩnh Châu vươn lên. Bên cạnh việc tận dụng nguồn tài nguyên gió một cách hiệu quả, đây sẽ là điều kiện quan trọng giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương diễn ra thuận lợi, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu ngân sách và tạo việc làm cho người dân” - ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ.
Nhằm bảo đảm giải tỏa được công suất cho các dự án điện gió (dự kiến đưa vào vận hành năm 2021), ông Lê Thành Thanh cho biết, địa phương và các bên có liên quan đang khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây 110kV, như đường truyền tải 110kV Trần Đề - Sóc Trăng, Vĩnh Châu - Bạc Liêu và trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu. Ngoài ra, tỉnh đang tranh thủ các nguồn vốn từ EVN để đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải đồng bộ với các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII được duyệt.
Bên cạnh đó, các ngành có liên quan đang tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai 20 dự án điện gió trên địa bàn, đảm bảo đưa vào vận hành đúng tiến độ. Về lâu dài, tỉnh sẽ chủ động liên kết, hợp tác với các viện, trường, trung tâm, nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp nhận các công nghệ hiện đại, tiên tiến. Đồng thời, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia vào nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ về phát triển các dạng năng lượng tái tạo.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: “Lĩnh vực năng lượng tái tạo là một trong những nội dung được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 thống nhất xem là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá. Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích rất lớn và bền vững trên nhiều lĩnh vực, ngoài ra còn bảo đảm cân đối nguồn điện cho khu vực ĐBSCL, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả khu vực”.
Tận dụng nguồn tài nguyên gió một cách hiệu quả là điều kiện quan trọng giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương diễn ra thuận lợi, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu ngân sách và tạo việc làm cho người dân. |
Link gốc