"Ngốn điện" siêu tốc nếu không sử dụng đúng cách
Anh Nguyễn Mạnh Trung - Trung tâm bảo hành Sanaky Việt Nam trả lời như sau: Trong trường hợp này có thể do chị Trần Thu Trang sau khi đun nước xong, vẫn để nước ở trong bình, mà không cho nước vào phích để tích trữ và giữ nhiệt. Đến lúc nào cần nước nóng chị bật lại ấm siêu tốc. Cách làm này của chị Trang sẽ gây tốn điện hơn.
Hiện nay, không những chỉ có trường hợp của chị Trần Thu Trang mà rất nhiều bà nội trợ khác cũng thường gây tiêu tốn điện của gia đình vì sử dụng ấm siêu tốc không đúng cách. Với công suất từ 600 - 1.500 W, các loại ấm siêu tốc chiếm tới 24% điện năng tiêu thụ hàng tháng trong gia đình. Ấm siêu tốc tuy có ưu điểm là thời gian đun rất nhanh, tự động tắt khi nước sôi nhưng lại không có khả năng giữ được nhiệt.
Một nguyên nhân khác có thể gây tiêu hao điện năng khi sử dụng ấm siêu tốc là việc để tích cặn trong đáy ấm. Với những chiếc ấm đun lâu ngày, có thể cặn bám nhiều trong bình cũng sẽ gây cản trở khả năng trao đổi nhiệt của ấm.
Ngoài ra, còn một lỗi mà người sử dụng ấm siêu tốc hay gặp phải, đó là việc đun nước trong phòng có điều hòa hoặc để ấm trước luồng gió của quạt. Điều này có thể làm tổn thất nhiệt của cả ấm đun nước lẫn điều hòa và quạt.
Ấm siêu tốc tiện dụng nhưng có thể sẽ gây tốn điện nếu bạn không biết cách sử dụng. Ảnh minh họa.
|
Sử dụng sao cho đúng?
Để có thể giữ nhiệt độ của nước, người sử dụng nên mua một chiếc phích giữ nhiệt. Khi đun nước bằng ấm siêu tốc, nếu không dùng hết thì nên rót ngay vào phích để giữ nhiệt. Khi dùng đến, nếu nước để trong phích đã giảm nhiệt một chút thì có thể đổ lại vào bình để đun lại.
Thường xuyên vệ sinh ấm để tránh cặn bám làm cản trở khả năng trao đổi nhiệt. Nên dùng vải mềm lau bên trong bình để tránh làm trầy xước lớp men tráng, giúp kéo dài tuổi thọ bình.
Không nên đun nước quá ít, dưới 1/2 dung tích cũng dễ làm giảm tuổi thọ của ấm. Khi đun, không đổ nước đến vạch cao nhất và dưới vạch thấp nhất.