Sự thật về thiết bị “siêu tiết kiệm điện”

Những thiết bị “siêu tiết kiệm điện” đang được quảng cáo ồ ạt trên thị trường với khả năng giảm từ 20-50% tiền điện hàng tháng cho người sử dụng thực chất có thể giảm lượng điện tiêu thụ cho gia đình bạn?

Thời gian gần đây, dư luận xã hội xôn xao về sự xuất hiện của hàng loạt “thiết bị siêu tiết kiệm điện ”. Theo quảng cáo, chỉ cần cắm thiết bị vào ổ cắm điện là hàng tháng có thể giúp tiết kiệm được 20 -50% lượng điện tiêu thụ trong gia đình. Trong đó, thiết bị tiết kiệm điện có tên “Electricity Saving Box” là sản phẩm xuất hiện nhiều nhất, dễ tìm mua nhất. Thiết bị này có giá khoảng 600.000 - 700.000 đồng/bộ được giới thiệu rất hấp dẫn: “Hãy để chúng tôi tiết kiệm điện giúp bạn”; “Bạn đã biết cách tiết kiệm điện chưa?”; “Bí quyết cắt giảm hoá đơn tiền điện từ 2 - 2,5 lần”... Các website, trang fanpage bán hàng còn đăng tải video clip thử nghiệm sản phẩm bằng cách dùng quạt máy mắc nối tiếp với đồng hồ điện để đo sản lượng điện. Lúc không có thiết bị tiết kiệm điện, sản lượng điện tiêu thụ hiển thị trên đồng hồ điện có giá trị lớn hơn so với khi gắn thêm thiết bị tiết kiệm điện. Từ đó, người bán hàng cam kết, sản phẩm có khả năng tiết kiệm điện “siêu việt”.

Ảnh minh họa

Thực tế, các thiết bị trên hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo. Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung phối hợp với Ban Kiểm tra giám sát Mua bán điện Tổng công ty Điện lực miền Trung thực hiện, khi mổ xẻ sản phẩm tiết kiệm điện có tên gọi là Electricity Saving Box, sản phẩm được đựng trong một hộp nhựa bình thường, bên trong thiết bị chỉ gồm cầu chì, vài con điện trở và hai bóng đèn led. Sau quá trình thí nghiệm, thiết bị khi sử dụng có thể làm giảm độ lớn giá trị dòng điện qua tải, nhưng không thể làm giảm được lượng điện năng tiêu thụ, dẫn đến công suất tiêu thụ luôn luôn tăng (tức là thiết bị tiết kiệm điện này không làm thay đổi sản lượng điện tiêu thụ đo đếm được trên công tơ). Như vậy, có thể hiểu thiết bị tiết kiệm điện này thực chất chỉ là một cách “quảng cáo ảo” của nhà sản xuất đưa ra để bán sản phẩm và đánh lừa khách hàng. 

Vì vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác với các sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường. Muốn tiết kiệm điện, người tiêu dùng luôn phải nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm như: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, dùng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), khi bật điều hoà làm mát chỉ đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, theo khuyến cáo của Bộ Y tế,  việc sử dụng điều hòa cũng nên hạn chế, thay vào đó cần mở các cửa cho thông thoáng, điều này vừa có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm virus, vừa tiết kiệm được điện năng sử dụng. Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn loại mặt hàng này, góp phần làm lành mạnh thị trường và bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. 

Kỹ sư điện Nguyễn An, nhân viên kỹ thuật của Trung tâm Sửa chữa điện tử, điện lạnh Đông Đô (Hà Nội): “Về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo”.

Anh Nguyễn Văn Bình, số 11 ngách 378/65 Thụy Khuê, Hà Nội - một người đã mua và sử dụng thiết bị tiết kiệm điện Electricity Saving Box: “Tôi mua sản phẩm với 550.000đ. Tôi đọc bài viết quảng cáo cũng thấy có lý nên đã mua về sử dụng vào tháng 06/2020. Nhưng khi cắm vào ổ điện, không thấy có tác dụng gì, hóa đơn nhà tôi vẫn cao hơn tháng trước.”


  • 01/09/2020 09:17
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới điện
  • 19083