Phấn đấu đến năm 2030, ngành năng lượng thành phố đáp ứng đủ và chất lượng cao cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các yêu cầu về an ninh năng lượng góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng; từng bước hiện đại hóa ngành năng lượng theo tiêu chuẩn đô thị thông minh, hiện đại; sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn năng lượng; đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, góp phần phát triển ngành năng lượng hài hòa, hiệu quả và bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của thành phố.
TP.HCM khuyến khích các dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG để đảm bảo đáp ứng nguồn cung ứng điện tại chỗ cho thành phố, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống. Đối với điện gió và điện mặt trời, ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống; khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Đối với điện sinh khối, rác thải và chất thải rắn, tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị (ưu tiên công nghệ đốt rác), chất thải rắn và sinh khối.
Cụ thể, đến năm 2030, cung cấp xăng, dầu, gas đạt khoảng 4,1 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); công suất lưới điện đáp ứng đủ và có dự phòng nhu cầu sử dụng điện cực đại đến năm 2025 là 7.000MW, đến năm 2030 là 8.850MW; sản lượng điện thương phẩm đến năm 2025 đạt khoảng 40.478 triệu kWh (tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 6,73%/năm); sản lượng điện thương phẩm đến năm 2030 đạt khoảng 53.232 triệu kWh (tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 5,63%/năm).
Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện TP phấn đấu đạt tối thiểu 15% trong giai đoạn 2025 - 2030.