Theo đó, những công trình tạo diện tích mảnh xanh và không gian mở cho cộng đồng, theo quy định của UBND TP. HCM vừa ban hành, được hiểu là không gian công cộng (dưới dạng quảng trường, công viên... mà người dân có thể tiếp cận bất cứ lúc nào) với quy mô từ 30% diện tích khu đất trở lên sẽ được xét tăng thêm hệ số sử dụng đất (diện tích mặt sàn).
Tuy nhiên, quy định ưu đãi hệ số sử dụng đất nêu trên chỉ áp dụng cho các công trình cao trên 9 tầng tại các trung tâm khu vực của thành phố như: Công trình trong các khu trung tâm thành phố được xác định trong Quy hoạch chung thành phố, công trình trong các khu trung tâm cấp quận huyện, công trình trên các trục đường thương mại dịch vụ có lộ giới trên 30m, và các công trình trong bán kính 200 mét so với tâm nhà ga metro… Còn đối với Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu trung tâm hiện hữu 930ha thì áp dụng theo quy định hiện hành riêng.
Theo các chuyên gia năng lượng, một công trình xanh trung bình tiết kiệm 30% năng lượng sử dụng, giảm 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30-50% lượng nước sử dụng và tiết kiệm từ 50 - 90% chi phí xử lý chất thải.
Hiện, TP. HCM đang có rất ít công trình xanh theo hướng thân thiện môi trường được trao chứng chỉ công trình xanh do các tổ chức nước ngoài chứng nhận, chẳng hạn như tiêu chuẩn công nhận công trình xanh LEED của Mỹ. Do đó, việc ưu đãi hệ số sử dụng đất cho các công trình xanh sẽ khuyến khích chủ đầu tư tạo hiệu quả kinh tế nhờ tiết giảm chi phí năng lượng, bảo vệ môi trường.