Ứng dụng cảm biến, thiết bị điều khiển thông minh
Nhà lưới nông nghiệp ứng dụng công nghệ IoT (Mạng lưới thiết bị kết nối Internet) đã xuất hiện rất nhiều trong vòng năm năm trở lại đây. Đến nay, cả nước có khoảng 30 trang trại ứng dụng IoT, trong đó riêng tỉnh Lâm Đồng có khoảng 15 trang trại. Điển hình như trang trại hoa của ông Nguyễn Văn Tuy, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, toàn bộ nhà lưới rộng 4ha đều áp dụng mạng cảm biến không dây E-sensor và hệ thống tưới tiêu E-Pump. Hệ thống này cho phép giám sát các chỉ tiêu về thông số môi trường, từ đó có những giải pháp xử lý kịp thời, giúp tăng hiệu suất, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.
Ông Tuy cho biết, nét độc đáo của hệ thống E-sensor và E-Pump chính là việc nông dân gần như không cần phải ra vườn/trang trại mà vẫn có thể điều khiển hệ thống tưới, giám sát các chỉ tiêu về thông số môi trường mọi lúc mọi nơi bằng điện thoại thông minh một cách tiết kiệm nhất. Chính điều này đã giúp trang trại của ông tiết kiệm nước, tiết kiệm điện năng khi dùng đèn chiếu sáng, bộ thổi khí, quạt khí, hệ thống bơm tưới đến 35% so với trước khi áp dụng hệ thống.
Sử dụng đèn Led máng phản quang trong nhà lưới sản xuất nông nghiệp giúp tiết kiệm năng lượng - Ảnh minh họa
|
Sử dụng đèn LED, máng đèn tán quang và rơle tự động
Theo các hộ dân trồng hoa tại Trại Mát (Đà Lạt) muốn cho cây hoa đẹp, đạt chiều cao tối đa, hoa to và nở được lâu thì phải trồng trong nhà lưới và phải sử dụng điện để chiếu sáng cho hoa. Việc sử dụng bóng đèn Led thay cho bóng đèn sợi đốt được nhiều trang trại ở đây sử dụng từ nhiều năm nay nhằm tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, không chỉ dùng đèn Led để chiếu sáng, nông dân nơi đây còn thử nghiệm dùng thêm máng đèn tán quang, giúp tăng độ sáng của đèn lên gấp hai lần. Do đó mật độ bố trí các đèn cũng giảm xuống so với hệ thống cũ.
Ông Đặng Công Hiếu, một chủ vườn hoa ở Trại Mát với 8.000 m2 cho biết: “Đối với hệ thống chiếu sáng cũ, thời gian cần thiết để chiếu sáng cho hoa trong 12 giờ/đêm và tổng số ngày phải chiếu sáng cho hoa trong một năm là 120 ngày. Trong khi đó đối với hệ thống chiếu sáng được thiết kế mới, tôi chỉ chiếu sáng trong 58 ngày đã đủ cho hoa tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, tôi còn dùng rơle tự động, cứ 40 phút chiếu sáng, rơle lại tự động ngắt hệ thống điện và nghỉ 20 phút, sau đó tự động đóng điện trở lại”.
Với mô hình mới này, người nông dân trồng hoa Trại Mát hàng tháng tiết kiệm một lượng điện năng rất lớn. Ông Hiếu cho biết, trước đây, hóa đơn tiền điện nhà ông mỗi tháng khoảng hơn 2,5 triệu đồng, đến nay chỉ còn 1,7 triệu/tháng.
Tưới nhỏ giọt: Tiết kiệm điện, nước
Với mô hình tưới nước nhỏ giọt, trang trại hoa của gia đình ông Nguyễn Phương Văn ở Vĩnh Phúc không những vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm nước, lại đạt năng suất cao. Trước đây, khi chưa sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, chi phí tiền điện bơm nước tưới rất tốn kém. Từ khi dùng hệ thống tưới nhỏ giọt, với tần suất ngày tưới, ngày nghỉ, thời gian tưới giảm còn một tháng rưỡi, và một lần tưới chỉ 20 phút. Việc giảm thời gian tưới đã giúp tiết kiệm gần 30% chí phí tiền điện và 50% khối lượng nước so với trước đây.