Phát triển năng lượng tái tạo: Điều chỉnh chính sách để thu hút đầu tư

Những điều chỉnh theo hướng tích cực của chính sách năng lượng quốc gia, tạo sự công bằng hơn giữa năng lượng tái tạo và các loại năng lượng truyền thống khác đã khiến nhà đầu tư mạnh dạn đổ vốn phát triển năng lượng tái tạo.

Thị trường điện gió Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển.

Nhiều dự án được triển khai

Theo báo cáo về "Năng lượng tái tạo tại Việt Nam năm 2018" được công bố mới đây, sau khi giá bán điện mặt trời được Chính phủ điều chỉnh tăng lên mức 9,35 cent/kWh, trung bình có 9 dự án phát và phân phối điện tái tạo (điện gió và điện mặt trời) được đăng ký mỗi tháng bởi nhà đầu tư.

Bên cạnh các dự án năng lượng mặt trời đã được khởi công, trong khi còn rất nhiều dự án đã được nhiều địa phương trong cả nước chấp thuận hoặc đang chờ phê duyệt. Cụ thể như tại Bình Thuận, chỉ trong 6 tháng năm 2018, đã có 9 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 15.380 tỷ đồng. Tỉnh này cũng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án điện mặt trời với tổng số vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Rõ ràng, sức hút đầu tư vào năng lượng điện mặt trời và điện gió từ đầu năm tới nay đã khởi sắc, trái ngược với sự ảm đạm mấy năm trước, khi nhiều dự án, như: Global Spheres tại Thừa Thiên Huế hay dự án IC Energy tại Quảng Nam... đã xin rút.

Tiếp tục điều chỉnh chính sách

Dù hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo đã có bước chuyển tích cực, song theo các chuyên gia, đây mới chỉ là những bước đi ban đầu trong khi Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này.

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, thị trường điện gió Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu với tổng công suất 197 MW. Con số này là rất nhỏ trong bối cảnh điện gió đang là một trong nhưng ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Nguyên nhân, theo các chuyên gia, trước hết là do giá điện gió và điện mặt trời chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. GS-TS. Lê Chí Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu năng lượng bền vững (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chỉ rõ, với trên 2.000 đồng/kWh điện là chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Trong khi đó, theo ông Steve Sawyer - Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả, minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn e ngại hợp đồng mua bán điện (PPA). Theo đó, mẫu PPA hiện nay rất khó để huy động vốn vì các điều khoản mang nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khiến các tổ chức tài chính e ngại...

Để khắc phục những hạn chế này, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra một giá điện gió hài hòa hơn trong thời gian tới, nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới.

Ông Steve Sawyer - Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu: Mặc dù Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia và các mục tiêu hết sức thực tế, song cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường, cũng như quy trình đấu thầu mua sắm, quy trình phê duyệt dự án đơn giản, rõ ràng.

 

 


  • 07/10/2018 03:49
  • Nguồn: congthuong.vn
  • 1505