Một doanh trại quân đội tại Cửa Lò - Nghệ An sử dụng điện hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: N.Thọ
|
Những loại năng lượng xanh mà ngày nay người ta thường đề cập đến là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng và năng lượng địa nhiệt. Ngoài ra còn rất nhiều loại năng lượng được cho là “xanh”, thậm chí cả năng lượng hạt nhân vì trong trạng thái hoạt động (an toàn), nó sản sinh ra lượng chất thải thấp hơn nhiều lần so với việc sử dụng than đá hoặc dầu. Năng lượng tái tạo là một tên gọi khác của năng lượng xanh.
Mục tiêu của việc sản xuất năng lượng xanh là để tạo ra năng lượng nhưng không gây hại cho môi trường. Mỗi hình thức chế tạo năng lượng đều ít nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường, nhưng, trong số đó năng lượng tái tạo là đối tượng gây ra ít tác động hơn cả.
Hầu hết những người theo trường phái ủng hộ năng lượng tái tạo đều cho rằng nhân loại càng sử dụng năng lượng xanh nhiều bao nhiêu thì hành tinh của chúng ta “sống” lâu hơn bấy nhiêu. Khí nhà kính, một sản phẩm phụ của việc sản xuất năng lượng theo kiểu cũ, chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng làm nóng trái đất một cách nhanh chóng hiện nay.
Một lợi ích khác cần phải đề cập là năng lượng xanh không cần phải “nhập khẩu”. Chẳng hạn, một địa phương có thể tự sản xuất ra điện bằng cách lắp đặt các tấm pin mặt trời để hấp thụ năng lượng, từ đó tạo ra điện năng. Nếu sử dụng đúng cách, năng lượng dư thừa sẽ có thể được giữ tại bộ lưu trữ để dùng sau, hoặc, được truyền tải lên mạng lưới điện địa phương để cung cấp cho những nơi khác.