Trang tin điện mặt trời trực tuyến Đức (PBC) mới đây cho biết, trong khi người dân ở châu Âu nói chung, Đức nói riêng lo lắng về chi phí năng lượng tăng cao thì người dân thị trấn Wolfhagen lại “bình chân như vại”, thậm chí không phải lo giảm nhiệt độ lò sưởi hay tắt đèn trong mùa đông vì họ đã có 100% nguồn năng lượng tái tạo tự chu cấp. Điều này khiến Wolfhagen trở thành một “tấm gương” đáng kinh ngạc về cách kiểm soát nguồn cung năng lượng của địa phương.
Theo PBC, nói đến phát triển năng lượng tái tạo, Đức đang chứng minh là nước dẫn đầu thế giới. Hơn 50% nhu cầu điện của Đức trong quý I/2022 được tạo ra từ các nguồn tái tạo, như điện mặt trời và năng lượng gió. Luật Năng lượng tái tạo (EEG) của Đức phản ánh cam kết của Đức đối với chương trình Energiewende (chuyển đổi năng lượng) mà Đức đã đưa ra. Đức đặt mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 80% điện năng từ nguồn tái tạo và 5 năm sau, hầu hết các nhu cầu năng lượng của đất nước sẽ được đáp ứng bằng năng lượng tái tạo. Với năng lượng tái tạo chiếm 42% sản lượng điện vào năm 2021, mục tiêu trên được xem là khả thi và “ trong tầm tay”.
Đức đặt mục tiêu đến năm 2030, cung cấp ít nhất 80% điện năng thông qua các nguồn năng lượng tái tạo. Nguồn ảnh: Internet
|
Với những gì đã và đang đạt được, Đức hy vọng sẽ trở thành cường quốc sản xuất, trung tâm năng lượng tái tạo của châu Âu và thế giới trong tương lai. Một trong nhưng nơi tiên phong trong hành trình hướng tới 100% năng lượng tái tạo của Đức không phải là thành phố lớn như trung tâm tài chính Frankfurt, thành trì kinh tế Munich hay thủ đô Berlin thời thượng mà là thị trấn nhỏ bé, xinh đẹp và khiêm tốn Wolfhagen ở Bắc Hessen.
Thị trấn đẹp như tranh này thuộc huyện Kassel, bang Hessen, Đức. Nằm cách Bad Arolsen 12 km về phía đông nam và cách Kassel 23 km về phía tây trên đường Timber-Frame của Đức. Wolfhagen có trên 13.500 cư dân đã tự chuyển đổi cách thức sản xuất và sử dụng điện và tạo ra lợi nhuận được tái đầu tư vào cộng đồng.
Wolfhagen là một câu chuyện đầy cảm hứng về cách cộng đồng nhỏ kiểm soát nhu cầu điện của mình. Thông qua quyết tâm và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại địa phương, trở thành mô hình “tự cung tự cấp” năng lượng tái tạo và bền vững. Mặc dù có quy mô nhỏ nhưng Wolfhagen lại là nơi có nhiều công trình “điện sạch tái tạo” dẫn đầu thế giới như Công viên năng lượng mặt trời Wolfhagen ở Bundesland. Còn các tuabin gió của Wolfhagen lại có năng lực sản xuất tới hơn 12MWh năng lượng mỗi năm.