Thương binh nặng – Thợ sửa điện và triết lý "cuộc đời không có đường cùng"

Bị thương cột sống liệt nửa người, bác Phạm Hồng Tư (Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng Thuận Thành – Bắc Ninh) vẫn miệt mài tự học nghề và nuôi gia đình bằng nghề sửa chữa đồ điện. Với bác, cuộc đời này không có đường cùng…

“Nhà số 11, trước cửa có giàn gấc, cứ gõ cửa rồi đẩy vào”, chúng tôi tìm đến căn nhà bác Tư theo chỉ dẫn của những người hàng xóm. Họ bảo, trừ khi trái gió trở trời phải đi khám bệnh, nhà bác Tư mở cửa quanh năm. Bác là thợ sửa đồ điện cho cả khu tập thể.

Bác Tư ngồi trên giường, tựa lưng vào một chiếc ghế gỗ đã mòn theo năm tháng. Xung quanh bác la liệt đồ nghề, mỏ hàn, nhựa thông, đồng hồ, biến thế… Bác đang cặm cụi quấn lại tụ điện cho một chiếc amply, bên cạnh là chiếc quạt treo tường đang chờ đấu triết áp.

Góc làm việc của bác Tư - Ảnh: CTV

Dừng tay lau mồ hôi trên trán, bác Tư chậm rãi kể chuyện về đời mình. Sinh năm 1955, nhập ngũ năm 20 tuổi. Ngày ấy, cậu thanh niên quê Đoan Hùng, Phú Thọ với biết bao hoài bão, ước mơ tương lai, đã trở thành Tiểu đội trưởng Tiểu đội Công binh và được điều động vào chiến trường phía Nam, giáp biên giới Campuchia.

“Cả đội có 5 anh em, nhiệm vụ chính là gỡ bom mìn. Nhưng không may, vào năm 1979, trong lúc đang hành quân, tôi trúng mìn và ngất đi vì mảnh đạn tiện ngang cột sống. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong trạm xá, phần thân dưới không còn cảm giác gì”… Những dòng ký ức thời chiến tranh lại hiện về như mới hôm qua.

“Năm 1990, vợ chồng tôi có một cậu con trai – đó là điều thần kỳ và may mắn nhất. Vì vậy, tôi luôn tâm đắc câu nói: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”

 

Sau đó, bác Tư được chuyển về hậu tuyến và năm 1981 về sống tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng Thuận Thành. “Về đây, thời gian đầu tôi cũng bi quan lắm, chẳng thiết làm ăn gì, nghĩ đời mình thế là bỏ đi. Ngày đó, nếu không có cô hộ lý Nguyễn Thị Thanh Phương tận tình chăm sóc, động viên, chưa biết tôi sẽ ra sao” – bác Tư tâm sự.

Lâu dần, tình cảm giữa người thương binh nặng và cô hộ lý cũng đến độ “chín” và họ làm đám cưới năm 1984. Không muốn một mình vợ phải gách vác kinh tế gia đình, bác Tư quyết tìm học một nghề. Sẵn có kiến thức về bom mìn, bác tự nghiên cứu tài liệu, học sâu hơn về nghề sửa chữa đồ điện. Học đến đâu, bác tự vẽ lại sơ đồ điện để ghi nhớ. Ngày học, đêm bác lại chong đèn thực hành với những đồ điện lặt vặt trong nhà.

“Thời chưa có điện, tôi học và làm chỉ xoay quanh bình ắc-quy, nên công việc khá đơn giản. Sau này, có điện lưới quốc gia, đồ điện cũng nhiều lên, việc sửa chữa cũng ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu nhiều hơn” – bác Tư nhớ lại. “Thoạt đầu, có khi đánh vật mấy đêm mới sửa được cái đài bán dẫn, nhưng về sau, quen tay, thạo việc, thì quạt bàn, cassette, biến thế… đều ngon lành hết”.

Bác Tư hồ hởi khoe sản phẩm tự chế, mới hoàn thành đầu mùa hè năm nay. Đó là chiếc quạt treo tường, gắn thêm động cơ thổi hơi nước, giúp gia đình bác tiết kiệm được cả triệu đồng so với việc mua một chiếc quạt phun sương.

Thấm thoắt, đã hơn ba chục năm bác Tư là thợ sửa đồ điện của cả vùng. Ông Nguyễn Khắc Dư - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng chia sẻ, bác Phạm Hồng Tư là một tấm gương điển hình về nỗ lực vượt lên số phận, biết tận dụng kiến thức, kinh nghiệm của mình để vừa cải thiện cuộc sống, vừa phục vụ bà con.

Thời gian gần đây, bác Tư còn dạy nghề sửa chữa đồ điện theo mô hình một thầy một trò, cầm tay chỉ việc. Bác nói vui “dạy tại giường”, thế mà bác cũng đã cho “ra lò” được 6, 7 thợ sửa đồ điện ở huyện Thuận Thành. Bác bảo muốn truyền lại nghề cho lớp trẻ vì mình cũng có tuổi rồi, bệnh tiền đình lại nặng thêm, nên không phải lúc nào cũng đủ sức theo đuổi đam mê nghề nghiệp.

Thương binh Phạm Hồng Tư:

  • Sinh năm 1955;
  • Quê quán: Đoan Hùng, Phú Thọ;
  • Nhập ngũ năm 1975, bị thương năm 1979 tại chiến trường biên giới Tây Nam, thương binh hạng 1/4, mất sức 91%.

 


  • 12/12/2016 09:32
  • Theo: Chuyên đề Thế giới điện
  • 2299